[Đà Nẵng] Chính phủ đề nghị Quốc hội có nghị quyết mới về chính quyền đô thị, cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội có nghị quyết mới về chính quyền đô thị, cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng.

Đô thị thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển hiện đại, văn minh. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký báo cáo sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, gửi Quốc hội.

Chính quyền đô thị gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn

Báo cáo của Chính phủ đánh giá, thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, Đà Nẵng không còn tổ chức HĐND quận, phường. Việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cho thấy bộ máy chính quyền thành phố gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương đã góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn,.

Ở cấp quận, thực hiện làm việc theo chế độ thủ trưởng nhưng hoạt động của UBND, chủ tịch UBND quận được đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền và sự giám sát của người dân nên vẫn duy trì được cơ chế kiểm soát quyền lực đối với cơ quan, chức danh này.

Theo kết quả tổng hợp từ 1-7-2021 đến 31-3-2023, UBND quận đã tiếp nhận 1.189 ý kiến, đề xuất của người dân và tỷ lệ giải quyết trên 85%. Chủ tịch UBND quận đã tổ chức 48 cuộc đối thoại với 4.479 người tham gia (cả trực tiếp và trực tuyến).

Các buổi đối thoại được tổ chức chất lượng, hiệu quả. Thông qua đối thoại trực tiếp với nhân dân đã kịp thời xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân; tiếp thu các ý kiến, phản ánh và đóng góp của người dân trong xây dựng Đảng, chính quyền.

UBND phường cũng làm việc theo chế độ thủ trưởng, đã đề cao trách nhiệm cá nhân, phát huy năng lực, tính chủ động, sáng tạo của chủ tịch UBND phường; công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương ở phường thông suốt, hiệu quả hơn.

Đánh giá việc thực hiện cơ chế bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận, phường, Chính phủ cho rằng cơ chế chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp dưới đã tạo ra sự thống nhất, thông suốt và chặt chẽ giữa chính quyền cấp trên với chính quyền cấp dưới, tạo động lực cho công chức được bổ nhiệm trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm cá nhân khi giải quyết công việc, đồng thời ràng buộc trách nhiệm công chức khi không hoàn thành tốt nhiệm vụ đều có thể bị xem xét miễn nhiệm, thay thế (không qua bầu cử).

Do đó, cơ chế bổ nhiệm người đứng đầu chính quyền quận, phường thay cho việc HĐND cùng cấp bầu đã giảm được một số khâu, một số thủ tục mặc dù công tác cán bộ vẫn do cấp ủy Đảng trực tiếp và thống nhất quản lý. Việc thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm linh hoạt hơn, thực hiện được chủ trương người được bổ nhiệm không nhất thiết là người của địa phương, báo cáo nêu.

Thực hiện đồng bộ tổ chức chính quyền đô thị, thôi thí điểm

Bên cạnh thuận lợi, việc thực hiện nghị quyết cũng còn khó khăn, trong đó có việc UBND quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách nên việc áp dụng các quy định pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Báo cáo nêu một số kiến nghị để Đà Nẵng thực hiện đồng bộ với Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội về mô hình chính quyền đô thị trong giai đoạn tới.

Đó là đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành 1 nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 quy định việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng (không còn thực hiện thí điểm) trên cơ sở kế thừa các quy định hợp lý về tổ chức chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14; đồng thời, bổ sung một số nội dung để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng thời gian vừa qua.

Chính phủ kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố.

Cụ thể là về cơ chế quản lý tài chính, ngân sách, kiến nghị được đưa ra là căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương, dự toán chi ngân sách của UBND quận, phường được bố trí khoản chưa phân bổ tối đa 6% trên tổng chi thường xuyên ngân sách quận, phường để thực hiện chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh, chi khen thưởng và các nhiệm vụ cần thiết khác mà chưa có trong dự toán.

Chủ tịch UBND quận, phường thuộc quận được quyết định chi từ khoản chưa phân bổ, định kỳ UBND phường báo cáo UBND quận để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất.

Cho phép HĐND thành phố được quyết định bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, người lao động thuộc khu vực nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, một số hội có tính chất đặc thù và một số cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố.

Khoản chi này theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo không vượt quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý.

Quy định về cơ cấu tổ chức của UBND quận, UBND phường theo hướng bổ sung người đứng đầu cơ quan quân sự, cơ quan công an cũng là kiến nghị được nêu tại báo cáo.

Cạnh đó, Đà Nẵng được thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm từ các sở chuyên ngành sang.

Về cơ chế, chính sách đặc thù, Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, tham khảo một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua của Thành phố Hồ Chí Minh và của một số tỉnh, thành phố khác để kiến nghị xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch, đầu tư, đô thị, đất đai, tài nguyên, ngân sách…

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép xây dựng nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và cho phép đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

Theo Báo Đà Nẵng