Nhiều doanh nghiệp nợ thuế cần trợ lực

Kinh doanh khó khăn, cạn dòng tiền khiến không ít doanh nghiệp (DN) đặc biệt là nhóm DN nhỏ và vừa rơi vào tình cảnh nợ thuế, có thể dẫn đến đóng cửa, giải thể. Thực tế này khiến nhiều chuyên gia phải lên tiếng kiến nghị cơ quan chức năng cần tiếp tục có chính sách trợ lực cho DN qua giai đoạn khó khăn.

Sau 3 năm gắng gượng kể từ đại dịch COVID -19 đến tháng 2/2024, ông Nguyễn Tuấn (Thanh Hóa) – giám đốc DN đồ mỹ nghệ đành quyết định bán hết máy móc, trả lại nhà xưởng, cho DN ngừng hoạt động. “Hai năm qua, đơn hàng giảm mạnh, nhiều khách hàng khó khăn, không trả tiền hàng đúng hạn. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng ở mức cao. Những tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng được, tôi đã đều thế chấp, kể cả sổ đỏ nhà đất của gia đình để xoay xở nguồn vốn. Giờ không thể cầm cự, tôi đành làm thủ tục xin tạm ngừng kinh doanh”, ông Tuấn nói.

Doanh nghiệp làm thủ tục thuế.

Cùng tình cảnh khó, bà Nguyễn Mỹ Lệ – Giám đốc một DN may gia công tại Hưng Yên cho biết, hiện bản thân bà và DN đã xoay vòng thanh toán với chủ nợ, ngân hàng để tránh nợ xấu được một thời gian. Nay có đơn hàng trở lại thì DN lại lâm cảnh thiếu vốn. DN của bà Lệ muốn vay thêm nhưng ngân hàng lắc đầu vì nợ cũ vẫn còn, không còn tài sản thế chấp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2024, cả nước có 53.400 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 15.500 DN ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng gần 22%. Hơn 5.100 DN hoàn tất thủ tục giải thể.

“Không đủ tiền để lo trả lương người lao động, nhập khẩu nguyên vật liệu, tôi đành tạm ngừng kinh doanh. Điều chúng tôi mong muốn nhất là được hỗ trợ nguồn vốn, ngân hàng cho tạm khoanh nợ cũ để có vốn xoay vòng. DN cạn kiệt sức lực, việc giảm thuế, phí cũng không còn nhiều tác dụng”, bà Lệ nói.

Hai DN trên là số ít trong rất nhiều DN đang rơi vào khốn khó vì hết vốn, cạn tiền. Kết quả khảo sát của Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) cho thấy, có tới 41% số DN không còn tài sản thế chấp để vay vốn. Trong khi đó, việc định giá tài sản là đất nông nghiệp rất thấp, đất thuê hằng năm cũng không thế chấp được… Vì vậy, HUBA kiến nghị, ngân hàng xem xét về tỷ lệ tài sản thế chấp, mở rộng cho vay theo hợp đồng với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai.

Nợ thuế

Khó khăn về dòng tiền, ngưng trệ sản xuất là một trong những nguyên nhân khiến số DN bị bêu tên vì nợ thuế liên tục tăng. Từ đầu năm tới nay, các cục thuế liên tiếp đề xuất cấm xuất cảnh người đại diện DN nợ thuế. Tiêu biểu như Cục Thuế Quảng Bình đề nghị cấm xuất cảnh 16 lãnh đạo DN, Cục Thuế Quảng Ngãi đề nghị cấm xuất cảnh 3 giám đốc DN, Cục Thuế Thanh Hoá cấm xuất cảnh 10 lãnh đạo DN…

Ông Lê Xuân H, – Giám đốc DN xây dựng vừa bị Cục Thuế Thanh Hóa cấm xuất cảnh chia sẻ, do đối tác không trả nợ khiến công ty rơi vào cảnh nợ thuế. Theo ông H, mấy năm qua, chi phí nguyên vật liệu xây dựng, phí nhân công tăng nhưng công trình xây dựng xong không thu hồi được nợ.

“Chúng tôi phải ứng tiền để mua vật liệu xây dựng, thuê nhân công hoàn thiện công trình. Nhưng công trình bàn giao mà khách hàng khó khăn, không trả nợ. Nợ mới, nợ cũ khiến công ty không còn cầm cự. Bản thân tôi cũng bị bêu tên, cấm xuất cảnh. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng như hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi, tạm gỡ phong tỏa tài khoản để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông H, mong muốn.

Theo ước tính của cơ quan thuế, đến đầu năm 2024, tổng số tiền nợ thuế của DN khoảng 150.000 tỷ đồng. Tại cuộc họp giao ban tình hình thực hiện công tác thuế tháng 3/2023, ông Phi Vân Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Thuế đã yêu cầu toàn ngành thuế triển khai gói hỗ trợ đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, hỗ trợ kịp thời cho DN và người dân vượt qua khó khăn. Từ đó góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.

Chính sách cần thiết thực

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) mới đây cho hay, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 724.507 tỷ đồng và là mức thấp nhất trong giai đoạn 2019-2024. Vì vậy, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đề xuất Chính phủ cần tiếp tục duy trì các chính sách khơi thông dòng vốn cho DN. Duy trì chính sách tài khóa mở rộng; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch nội địa. Gia hạn thời gian giảm thuế VAT sang tháng 6/2025.

“Cơ quan chức năng cần nỗ lực thực hiện hiệu quả biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, cung cấp đầy đủ tín dụng cho DN và người dân. Tăng cường hơn nữa xúc tiến thương mại, tìm kiếm những thị trường mới, thị trường ngách”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh kiến nghị.

Còn trao đổi với PV Tiền Phong, trước khó khăn của DN, ông Nguyễn Văn Được – Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, DN đang đối mặt với khó khăn. “Nhiều chính sách hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa được ban hành từ lâu, nhưng chưa thực sự hiệu quả. Tiêu biểu như Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực gần 5 năm nhưng DN vẫn khó tiếp cận chính sách hỗ trợ. Giai đoạn khó khăn, cần có sự vào cuộc hơn nữa của cơ quan chức năng, hỗ trợ DN. DN qua được khó sẽ tạo việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước và góp phần tăng trưởng kinh tế”, ông Được cho biết.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho biết, khảo sát năm 2024 cho thấy, có gần 59% DN cho biết có thể giảm 5% quy mô lao động. Có hơn 60% dự kiến giảm doanh thu. Sau gần 4 năm đối mặt đại dịch COVID-19 và bất ổn kinh tế toàn cầu, DN kiệt sức.

“Nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của DN sẽ cạn kiệt. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tiếp tục nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của DN cũng như tổng thể nền kinh tế”, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân kiến nghị.

Theo Báo Tiền Phong