[Gia Lai] Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời đại 4.0

Sự hội nhập kinh tế quốc tế đã đem lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội phát triển, song đồng thời cũng khiến doanh nghiệp phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt chưa từng có, buộc phải tìm ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt để tồn tại và phát triển. Xây dựng văn doanh nghiệp chính là đáp án cho vấn đề này.

Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các chuẩn mực, quan niệm và hành vi chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp và tạo nên bản sắc kinh doanh riêng. Một trong những triết lý kinh doanh mà Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) theo đuổi là gắn kết hoạt động kinh doanh với các hoạt động nhân đạo, xã hội. Chính điều này đã giúp Viettel tạo ra được nét đặc trưng riêng và góp phần quan trọng khẳng định vị trí của Tập đoàn trên thương trường.

Một số hoạt động đã ghi đậm “dấu ấn Viettel” như chương trình “Phủ sóng biển đảo” (phủ sóng di động đến được những miền đảo cách xa đất liền 100 km), chương trình “Trái tim cho em” (sau 5 năm phát động đã huy động được 88,5 tỷ đồng để khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho gần 13.000 trẻ em nghèo) hay chương trình học bổng “Vì em hiếu học” được triển khai từ năm 2014 nhằm động viên, tiếp sức cho các em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa vươn lên trong học tập. Đến nay, chương trình đã trao hơn 210.000 suất học bổng với tổng trị giá 250 tỷ đồng. Riêng tại Gia Lai, từ năm 2014 đến nay, chương trình đã trao gần 6.500 suất học bổng với tổng trị giá gần 8 tỷ đồng.

Công ty TNHH Vĩnh Hiệp phối hợp với UBND phường Thắng Lợi (TP. Pleiku) tặng quà cho người nghèo và học sinh khó khăn. Ảnh: P.L

Trách nhiệm với xã hội đã trở thành một nội dung không thể tách rời trong kế hoạch hoạt động hàng năm của mỗi doanh nghiệp đang chú trọng xây dựng văn hóa kinh doanh. Bởi điều này đang dần trở thành một trong những tiêu chí để đối tác, nhất là đối tác nước ngoài, đánh giá, xác định có hợp tác với doanh nghiệp đó hay không. Vì vậy, không chỉ nỗ lực để trở thành doanh nghiệp đứng top đầu trong xuất khẩu nông sản của tỉnh mà Công ty TNHH Vĩnh Hiệp còn tích cực tạo dấu ấn trong công tác an sinh xã hội.

Giám đốc Công ty Thái Như Hiệp từng chia sẻ: “Cho đi và đừng nghĩ rằng mình sẽ nhận lại, đó mới là cái tâm thiện nguyện trong sáng. Chỉ cần có cơ hội được đóng góp cho xã hội, chúng tôi luôn sẵn sàng”. Từ suy nghĩ đó mà hàng năm, Công ty Vĩnh Hiệp đều dành hàng tỷ đồng để thực hiện các hoạt động như xây dựng nhà ở, tặng quà cho người nghèo, hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay nhận phụng dưỡng 4 Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh.

Một cách khác để xây dựng văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp được thể hiện bằng những hành vi, hành động, lời nói hết sức đơn giản nhưng đem lại hiệu quả và sự khác biệt rất lớn. Như tại các quán cà phê của Công ty cổ phần Cà phê Classic, khi khách bước vào đều nhận được cái cúi chào của nhân viên với câu nói quen thuộc: “Cà phê Classic xin chào” và khi khách ra về cũng nhận được cái cúi chào kèm câu tạm biệt: “Cà phê Classic xin cảm ơn!”.

Chia sẻ về điều này, tại diễn đàn kết nối đầu tư và vai trò kinh tế tư nhân trong hội nhập quốc tế do Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam tổ chức ngày 14-4 tại TP. Pleiku, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic-thông tin: “Với doanh nghiệp của mình, tôi luôn cố gắng đưa ra những chuẩn mực dựa trên văn hóa được xây dựng theo hướng tích cực. Văn hóa doanh nghiệp gắn liền với văn hóa của người đứng đầu, là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến tất cả thành viên trực thuộc”.

Vietel Gia Lai trao học bổng cho các em học sinh vượt khó học giỏi huyện Mang Yang. Ảnh: Hồng Thương

Cũng tại diễn đàn này, chia sẻ với các doanh nghiệp, ông Hoàng Bình Quân-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam-nhấn mạnh: “Doanh nghiệp cần nhận thức văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân là sức mạnh mềm, là yếu tố có tính nền tảng để phát triển. Chỉ khi xây dựng được văn hóa doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới có thể tham gia vào sân chơi lớn với những đối thủ lớn, nhất là khi Việt Nam đã ký kết tới 15 hiệp định thương mại tự do đang hiệu lực”.

Nhiều người ví von văn hóa doanh nghiệp như là một “bộ gen” giải mã bản sắc riêng, tạo ra sự khác biệt lớn nhất cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp thời kỳ 4.0. Các chuyên gia hàng đầu thế giới về đào tạo lãnh đạo cho các tổ chức, doanh nghiệp cũng nhận định: “Nếu chiến lược là hạt thì văn hóa là đất. Nếu đất tốt thì hạt sẽ nở hoa, dù hạt có tốt đến mấy nhưng đất không tốt thì chiến lược cũng khó có thể thành công”.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt được rằng văn hóa doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng, mang tính nền tảng. Khi nền vững thì các chiến lược đưa ra mới có thể thực thi và đem lại hiệu quả lâu dài. Doanh nghiệp đối thủ có thể sao chép tất cả mọi thứ, từ quy trình, sản phẩm cho đến công nghệ, chỉ duy một thứ không thể sao chép, đó chính là văn hóa doanh nghiệp.

Theo Báo Gia Lai