[Quảng Trị] Triển khai các giải pháp để phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn lao động và giải quyết việc làm

Đồng chí LÊ NGUYÊN HỒNG – TUV, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Trị trả lời phỏng vấn

– Thưa đồng chí! Trong những năm qua, vấn đề lao động – việc làm luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện. Nhân dịp này, đề nghị đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện để góp phần phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn lao động và giải quyết việc làm cho người lao động?

– Giải quyết việc làm, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Chính vì vậy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ người sử dụng lao động tìm kiếm nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và phát triển của đất nước, cùng với các thị trường khác, thị trường lao động cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng đang ngày càng phát triển và diễn ra sôi động, với những đòi hỏi thiết thực, bức bách hơn trong quan hệ cung – cầu lao động.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đặt ra chỉ tiêu số lao động được tạo việc làm mới bình quân hằng năm giai đoạn 2020-2025 là 12.000 lao động và giai đoạn 2025 – 2030 trên 12.500 lao động.

Để thực hiện đạt chỉ tiêu đại hội đưa ra, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động, giải quyết việc làm cho người lao động và cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, vấn đề lao động – việc làm luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp chính quyền, đoàn thể trong tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp để triển khai phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với giải quyết việc làm.

Một lớp đào tạo tiếng Hàn Quốc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị -Ảnh: Đ.T

Nhằm đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 63-CTr/TU ngày 14/4/2023 về thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”.

Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 16/3/2023 về thực hiện công tác thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025; tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 119/2023/NQHĐND về chính sách hỗ trợ người tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hỗ trợ lao động hết hạn hợp đồng trở về nước có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đối với người dân tộc thiểu số; người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; lực lượng vũ trang xuất ngũ; thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2024-2026.

Để thực hiện các chính sách thu hút, tạo việc làm cho người lao động, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện, đồng thời chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách việc làm, vay vốn giải quyết việc làm, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2023. Theo đó, đã tổ chức 3 hội nghị hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin người lao động trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 3 hội nghị về việc làm và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại huyện Triệu Phong.

Phối hợp với UBND huyện Cam Lộ, huyện Hướng Hóa tổ chức 4 chương trình giao lưu, đối thoại về việc làm cho đoàn viên thanh niên và người lao động trên địa bàn hai huyện, với sự tham gia gần 2.000 người.

Quan tâm giải quyết việc làm cho lao động miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; mở rộng thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho người lao động; đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện người lao động trước khi đưa người lao động đi làm việc ở ngoài nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động khi làm việc ở ngoài nước, đồng thời hỗ trợ giải quyết việc làm khi người lao động hết hạn hợp đồng, về nước làm việc.

Năm 2023, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 36 phiên giao dịch việc làm; thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động và các chính sách liên quan đến lĩnh vực lao động việc làm cho 41.600 lượt người và các tổ chức, doanh nghiệp; tư vấn về việc làm, học nghề và các chính sách liên quan đến lao động việc làm cho 30.950 lượt người; cung ứng, giới thiệu việc làm trong tỉnh, trong nước 2.566 người; giới thiệu đi làm việc ở nước ngoài 417 lao động; tổ chức đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, giới thiệu học nghề cho 965 người; tổ chức 3 lớp tập huấn và bồi dưỡng kỹ năng tìm kiếm việc làm, học nghề cho hơn 130 lao động…

Kết quả, đã giải quyết việc làm 13.989 lượt lao động (đạt 116,6% KH). Trong đó: làm việc trong tỉnh: 5.666 lượt lao động; làm việc ngoài tỉnh 5.500 lượt lao động; làm việc ở nước ngoài 2.823 lao động, trong đó đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2.823 lao động.

Công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã góp phần tích cực trong việc cung cấp lao động qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng lên hằng năm; đã thu hút được nhiều cơ sở ngoài công lập tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Bước đầu có sự gắn kết giữa các địa phương với cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong việc tuyển sinh đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề. Kết quả năm 2023, đã tuyển sinh và đào tạo được 9.047 lao động (đạt 100% KH). Nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo năm đến cuối năm 2023 đạt 72,66%.

– Đồng chí cho biết, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ triển khai những giải pháp như thế nào để tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước và thời kỳ hội nhập, phát triển?

– Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động trong thời gian tới, cần tập trung triển khai thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp:

Thứ nhất, tăng cường công tác dự báo nhu cầu các ngành nghề đang và sẽ là xu hướng để kịp thời bổ sung vào danh mục, nhất là các ngành nghề đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề mới phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Khuyến khích liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh nhằm đa dạng hóa ngành nghề, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm trong việc tăng cường kết nối lao động cho doanh nghiệp thông qua cải tiến hoạt động giao dịch việc làm; chủ động mời gọi các doanh nghiệp có uy tín, chất lượng và năng lực hoạt động trong các lĩnh vực để thu thập và cung cấp các thông tin về thị trường lao động cho người lao động có nhu cầu.

Tổ chức quản trị, khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; đẩy mạnh hợp tác giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm để triển khai công tác đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; chủ động hơn nữa trong tiếp cận với các doanh nghiệp đang, sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh, nắm bắt thông tin tuyển dụng lao động, từ đó phối hợp với với các doanh nghiệp đào tạo, cung ứng lao động sát, đúng với nhu cầu doanh nghiệp.

Thứ hai, tập trung huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp thông qua việc triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp như: Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND ngày 10/2/2023 của UBND tỉnh quy định danh mục lĩnh vực và địa bàn khuyến khích xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2023 – 2025; Nghị quyết số 56/2023/ NQ-HĐND ngày 19/7/2023 của HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 28/9/2023 của UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2024.

Thứ ba, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; tiếp cận nhanh chóng và nâng cao năng lực chuyển đổi số của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tích cực ứng dụng các nền tảng số để triển khai dùng chung và hỗ trợ dạy học trực tuyến các trình độ trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ tư, phát triển đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp; phát triển và nâng cao chất lượng, định kỳ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, người dạy nghề trên địa bàn tỉnh theo quy định; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ nghệ nhân, người có kỹ năng nghề giỏi được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để đủ năng lực tham gia đào tạo các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp.

Thứ năm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động tại các doanh nghiệp, nhất là nhóm lao động chưa có bằng cấp; tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 3882/KH-UBND ngày 24/8/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh trong tình hình mới; gắn kết chặt chẽ giữa 3 “nhà”: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, nhà nước định hướng, tạo điều hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách; nhà trường và doanh nghiệp chủ động, tích cực trong liên kết đào tạo, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; hỗ trợ thực tập tại doanh nghiệp; phát triển đội ngũ nhà giáo là chuyên gia, thợ bậc cao… trong các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bằng việc hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng thực hành nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo dự báo, thị trường lao động ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới sẽ có những biến động về nhu cầu lao động, bao gồm sự tăng lên về số lượng lao động được sử dụng trong doanh nghiệp với các dự án sản xuất năng lượng, chế biến nông – lâm – thủy sản, dệt may, đặc biệt là các dự án trọng điểm tại các khu kinh tế tỉnh nếu được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ thu hút nhiều lao động của địa phương, trong đó nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao sẽ tăng lên nhanh chóng.

Đây chính là cơ hội cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động, cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp. Do đó, việc phát triển thị trường lao động là rất cần thiết đối với người lao động của tỉnh, giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, tăng thu nhập, ổn định đời sống, cũng như người sử dụng lao động tuyển dụng được lao động phù hợp với vị trí công việc nhằm phát triển doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

– Xin cảm ơn đồng chí!

Theo Báo Quảng Trị