[Quảng Ngãi] Phát triển sản phẩm OCOP: Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm
Hơn 3 năm thực hiện, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng, mà còn nâng tầm giá trị nông sản địa phương. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển, ngoài sự năng động của các chủ thể, thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường…
Cái khó của sản phẩm OCOP
Toàn tỉnh hiện có 61 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Nhiều sản phẩm OCOP có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nhưng chỉ được người tiêu dùng địa phương biết đến, chứ chưa vươn ra các tỉnh, thành phố khác, cũng chưa được giới thiệu và quảng bá đến du khách nước ngoài. Vì thế, việc sản xuất và tiêu thụ của một số sản phẩm OCOP cũng bấp bênh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền (thứ hai bên phải) tìm hiểu một số sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh do Hội Nông dân tỉnh trưng bày, giới thiệu.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, nguyên nhân một phần vì thiếu đầu tàu dẫn dắt, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ; phần do chủ thể chưa chủ động trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Trong khi đó, phát triển chu trình OCOP là một chuỗi giá trị. Việc phân hạng và gắn sao là bước đệm đầu chuỗi để sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng. Phần then chốt và quan trọng nhất giúp sản phẩm cũng như chuỗi OCOP tồn tại và phát triển chính là khâu tiêu thụ.
Chương trình OCOP vừa đa dạng sản phẩm hàng hóa, vừa nâng tầm giá trị nông sản nên cần được khơi thông thị trường tiêu thụ, tiếp cận người tiêu dùng.“Việc hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP phải có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư tập trung vào các sản phẩm có tiềm năng để nâng hạng đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao. Qua đó, sẽ nâng tầm giá trị của sản phẩm OCOP, khẳng định vị thế trên thị trường nội địa, tiến đến xuất khẩu”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh
TRẦN PHƯỚC HIỀN |
Các chủ thể OCOP chia sẻ rằng, họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, tham gia hoạt động trên nền tảng sàn thương mại điện tử, do kỹ năng quảng bá trực tuyến chưa thành thạo. Việc đăng tải, giới thiệu thông tin về sản phẩm, cũng như tư vấn cho khách hàng để chốt các đơn hàng chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, có khá nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh (thậm chí OCOP 4 sao) chưa được bày bán tại các siêu thị trong tỉnh. “Rất nhiều đối tác, người tiêu dùng chưa mạnh dạn hợp tác, tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi, chỉ vì sản phẩm OCOP chưa được bán ở siêu thị. Nguyên nhân do chi phí thuê mặt bằng tại siêu thị quá cao, trong khi nguồn lực của chúng tôi thì có hạn”, Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) Lê Giang Phong giãi bày.
Đối với chủ thể sản xuất và kinh doanh nhóm hàng thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến khâu kiểm định, chứng nhận và công bố chất lượng sản phẩm. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Nấm dược liệu Ninh Trương (Sơn Tịnh), thì nhóm sản phẩm này có nhiều chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ thể lúng túng không biết sản phẩm của mình cần phải đạt bao nhiêu chỉ tiêu, giới hạn cho phép của mỗi chỉ tiêu như thế nào. Đó là chưa kể, một số chỉ tiêu phải được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) kiểm định và chứng nhận. Nếu doanh nghiệp tự làm sẽ tốn rất nhiều thời gian hoặc không đạt yêu cầu; còn thuê đơn vị tư vấn thì chi phí quá cao.
Giúp chủ thể gỡ nút thắt
Tại siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi, bình quân mỗi ngày có 3 – 4 nghìn lượt khách hàng đến tham quan, mua sắm nên đây được xem là địa điểm lý tưởng để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Giám đốc siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi Lê Hồng Ca đề xuất, nên chăng xây dựng gian hàng OCOP tại siêu thị Co.opmart Quảng Ngãi – nơi quy tụ các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao của tỉnh. Siêu thị Co.opmart sẽ hỗ trợ các chủ thể tương tác và kết nối với khách hàng, cũng như kỹ năng và kinh nghiệm bán hàng. Với những sản phẩm tiềm năng, được người tiêu dùng ưa chuộng, Co.opmart Quảng Ngãi sẽ giới thiệu và hỗ trợ bán hàng trong hệ thống Co.opmart.
Chương trình OCOP vừa đa dạng sản phẩm hàng hóa, vừa nâng tầm giá trị nông sản nên cần được khơi thông thị trường tiêu thụ, tiếp cận người tiêu dùng.
Tuy nhiên, khi tham gia vào chuỗi cung ứng lớn, các chủ thể cũng cần tính toán nguồn nguyên liệu đảm bảo phục vụ sản xuất quy mô lớn, đảm bảo đồng nhất về chất lượng, liên tục về số lượng, tránh tình trạng gián đoạn nguồn cung. Vì vậy, các chủ thể trong cùng nhóm hàng có thể liên kết với nhau để hình thành hệ thống sản xuất và cung ứng, phân phối. Điều này vừa giúp các chủ thể trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, vừa gắn kết hỗ trợ nhau trong cả sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm.
x
x