[Quảng Nam] Nỗ lực tối đa để thúc đẩy kinh tế Quảng Nam tăng trưởng

Nhiều chỉ số về sản xuất kinh doanh suy giảm, tăng trưởng âm trong quý I/2024. Tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội quý I/2024 và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024 vừa tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng cần nỗ lực tối đa để có thể hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, giảm thiểu suy giảm và vực dậy sự phát triển của nền kinh tế.

dau-tu-cong.jpg
Đầu tư công khá hơn cùng kỳ năm 2023, nhưng chưa đạt tiến độ, nên chưa thể góp tỷ trọng lớn vào tăng trưởng GRDP của Quảng Nam trong quý I/2024. Ảnh: T.D

Tăng trưởng âm

Trong quý I/2024, nông – lâm – thủy sản giữ mức tăng trưởng ổn định, thương mại du lịch – dịch vụ phục hồi đáng kể.

Song, tăng trưởng của hai khu vực này (tăng 3,2% và 3,3%) chiếm tỷ trọng nhỏ, không thể bù đắp sự sụt giảm của hai ngành trọng yếu trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) là công nghiệp – xây dựng và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm.

Hai ngành này giảm lần lượt 8,1% (riêng công nghiệp giảm 9,8%) và 7,6%. Suy giảm này đã kéo GRDP Quảng Nam quý I/2024 giảm 3,1%.

Theo thống kê, mức suy giảm này đã đưa địa phương rơi vào mức tăng trưởng thấp thứ 3 trên bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành, “đội sổ” so với 5 tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Ông Nguyễn Hưng – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nói, điểm sáng hiếm hoi là dù tăng trưởng kinh tế giảm, nhưng quy mô GRDP đã đạt hơn 26,2 nghìn tỷ đồng.

Địa phương vẫn nằm trong nhóm tỉnh, thành có quy mô nền kinh tế lớn trên cả nước, chiếm vị thứ 29/63 tỉnh, thành, xếp vị thứ 4/5 tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Sự bất an của nền kinh tế thể hiện rõ qua sự suy giảm mạnh của sản xuất công nghiệp dù hoạt động sản xuất ngành này có tín hiệu phục hồi đôi chút trong tháng 3/2024 khi sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp tăng 9,1%.

Theo thống kê, quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 5,2% so cùng kỳ. Khó khăn của nền kinh tế địa phương được nhìn thấy qua tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dù được đánh giá cao hơn cùng kỳ năm 2023, nhưng chưa thể đạt tiến độ khi chỉ đạt 8,9% (gần 630/7.056,8 tỷ đồng – chưa kể số vốn năm 2022, 2023 đang được xem xét, phê duyệt kéo dài thời hạn giải ngân).

o-to.jpg
Sản xuất ô tô gia tăng, cũng không thể kéo nổi sự suy giảm của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thu ngân sách đạt 23% dự toán (5.320/23.600 tỷ đồng). Số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường không hề suy giảm (721 doanh nghiệp), vượt cả lượng doanh nghiệp mới và tái gia nhập thị trường (516 doanh nghiệp).

Ngay cả số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường (301 doanh nghiệp) dù tăng 2,3% về số lượng, nhưng giảm đến 24,7% về số vốn đăng ký. Không có dự án lớn lĩnh vực công nghiệp nào đi vào hoạt động. Không nhiều động lực kích cầu.

Thu hút đầu tư khả quan khi có đến 18 giấy phép được cấp (7 dự án đầu tư FDI và 11 dự án nội địa), nhưng cũng chỉ mới là sự khởi đầu, chưa thể đổ vốn hay đóng góp gì trong hiện tại vào độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo phân tích của Cục phó Cục Thống kê tỉnh Lê Nho Hùng, Quảng Nam thuộc về 5 tỉnh có mức tăng trưởng âm trên cả nước trong quý I/2024.

Suy giảm nặng của công nghiệp đã kéo theo không thu được thuế của thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm, dẫn đến thu ngân sách không đạt tiến độ. Một số ngành sản xuất chủ lực của địa phương như sản xuất xe có động cơ tuy có phục hồi, có tăng, nhưng còn “khiêm tốn”.

Đáng chú ý là ngành bia, nước giải khát giảm sâu (hơn 76% trong cả quý I/2024), kéo theo năng suất lao động xã hội không tăng đáng kể. Nếu nỗ lực trong 3 tháng tới, tìm kiếm tăng trưởng trên 3% thì mới có cơ may 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế địa phương mới có thể có con số dương.

Nỗ lực tối đa

Mục tiêu tăng trưởng (7,5 – 8%) năm 2024 sẽ trở nên khó khăn với Quảng Nam. Theo dự báo của Cục Thống kê hồi cuối năm 2023, tăng trưởng kinh tế quý I/2024 chỉ có thể tăng nhẹ 0,9% vẫn không đạt được trên thực tế, khi tiếp tục âm 3,1%. Chiều hướng tăng trưởng kinh tế sẽ phải dựa vào sự thay đổi từ các quý còn lại của năm 2024.

xuat-khau.jpg
Xuất khẩu được cho là một trong những điểm sáng kinh tế quý I/2024, nhưng đóng góp chưa nhiều cho tốc độ tăng trưởng GRDP.

Tuy nhiên, các thống kê về sự suy giảm của nền kinh tế vừa được công bố vẫn chưa đến mức trở thành “thảm họa”.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong, thu ngân sách không cao, chưa đạt tiến độ dự toán trong bối cảnh kinh tế khó khăn là điều đã được dự liệu trước.

Điều quan trọng là số thu nội địa đã đạt 28% dự toán (trên 5.000 tỷ đồng). Địa phương vẫn cân đối được ngân sách, không mượn từ các nguồn khác để bù đắp cho các chi tiêu như dự kiến ban đầu… đã là thành công.

Bức tranh kinh tế địa phương không phải toàn màu xám. Các cuộc khảo sát của Cục Thống kê, các dự báo về khó khăn thiếu đơn hàng mới của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2024 bất ổn sẽ thay đổi chiều hướng tốt hơn vào quý II/2024 trở đi…

Kết quả khảo sát cho thấy, dự báo quý II/2024, các doanh nghiệp cho rằng nếu tình hình khu vực và thế giới ổn định, thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ thuận lợi và theo chiều hướng tích cực.

Khoảng 45,1% số doanh nghiệp được khảo sát dự báo tình hình sản xuất quý II/2024 sẽ tốt hơn quý I/2023, 40,2% giữ nguyên và có 14,6% số doanh nghiệp cho là khó khăn hơn.

Lạc quan nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước khi có đến 49,1% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 39,1%.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, khó khăn của nền kinh tế đã được nhận diện. Không còn con đường nào khác là nỗ lực tối đa để có thể hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, giảm thiểu sự suy giảm và vực dậy sự phát triển của nền kinh tế địa phương.

Các cơ quan quản lý, địa phương sẽ phải theo dõi chặt các diễn biến, nguyên nhân suy giảm của thị trường, nền kinh tế, dự báo tác động xấu để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách nhanh nhất trong thẩm quyền địa phương.

Các cơ quan quản lý vận dụng hết các khả năng để nhận diện, phân tích, định danh những yếu tố bất ổn, đưa ra các chính sách gia tăng cơ hội trụ lại thị trường hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhanh chóng hỗ trợ các nhà đầu tư, nhất là các dự án, thỏa thuận đầu tư đã được cấp phép tại sự kiện công bố quy hoạch Quảng Nam…

Theo Báo Quảng Nam