‘Xây dựng đội ngũ doanh nhân có khát vọng lớn và tầm nhìn chung’
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Việt Nam chưa bao giờ đứng trước cơ hội đuổi kịp các nước trong khu vực và thế giới lớn như hiện nay. Chúng ta cần một đội ngũ doanh nhân có khát vọng lớn và tầm nhìn chung”.

Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới và đặt mục tiêu: “Đến năm 2030 phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn”.

Đây được coi là điểm tựa phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới.

Hướng tới thực hiện mục tiêu Nghị quyết 41 đề ra, Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn có cuộc trao đổi với ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: PV.

Mục tiêu rất cụ thể mà Nghị quyết 41 đề ra là xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới. Xin ông chia sẻ những nhiệm vụ trọng tâm mà VCCI hướng tới theo tinh thần Nghị quyết 41?

Ông Phạm Tấn Công: Nghị quyết mới của Bộ Chính trị có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Đặc biệt, Nghị quyết có nhấn mạnh đến hai chữ “an toàn”, điểm này rất đúng đắn vì việc tạo dựng một môi trường kinh doanh an toàn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Dưới góc độ vi mô, cá nhân mỗi doanh nhân cũng cần có sự an toàn.

“Không hình sự hóa quan hệ kinh tế” là “thông điệp” rất rõ ràng của Đảng để đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân vững tin vào con đường mình đã lựa chọn. Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là hình thành. Giai đoạn thứ hai là hội nhập. Giai đoạn thứ ba là “vươn mình” đứng dậy làm chủ. Có thể nói chúng ta đang ở giai đoạn để có “những nét vẽ cuối cùng định hình đội ngũ doanh nhân lớn”. Mục tiêu là 20 năm tới, Việt Nam phải có đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân làm chủ một số chuỗi toàn cầu và có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực “chen chân” vào các chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID-19 và những biến động địa chính trị trên thế giới. Việt Nam đã có cơ hội, nhưng tham vọng của chúng ta không chỉ dừng lại ở chen chân vào chuỗi cung ứng mà phải dẫn đầu.

Để đạt được khát vọng này, VCCI có cách tiếp cận rất khác trước đây, không chỉ cung cấp các khoá đào tạo nhỏ lẻ cho các doanh nhân hay làm phần mềm kế toán, đào tạo cán bộ kinh doanh ở cấp độ kinh doanh hộ. VCCI hướng tới một chương trình đào tạo doanh nhân quốc gia, đưa nhiệm vụ xây dựng đội ngũ doanh nhân trở thành mục tiêu chiến lược quốc gia.

Câu hỏi đặt ra là, liệu chúng ta có dám đào tạo để cho ra những doanh nhân lãnh đạo các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng hay không? Chúng ta có đứng ra liên kết mạng các doanh nhân lớn để cùng nhau tạo thành những chuỗi cung ứng như Hàn Quốc đang làm hay không?

Muốn làm chủ những chuỗi cung ứng lớn, một doanh nghiệp sẽ không thể làm được mà phải có một hệ thống, hệ sinh thái. Những “ông lớn” Hàn Quốc như Samsung, Daewoo, LG… đều có hệ sinh thái và liên kết với nhau rất mạnh mẽ.

Theo ông, đội ngũ doanh nhân cần làm gì để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 41 đề ra, Bộ Chính trị kỳ vọng trong bối cảnh mới?

Ông Phạm Tấn Công: Có thể nói, chưa bao giờ đất nước ta có cơ hội lớn để đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới cả về thế và lực như hiện nay. Bối cảnh khách quan là hậu COVID-19, xung đột địa chính trị dẫn tới nhu cầu sắp xếp lại chuỗi cung ứng, chúng ta là một trong những tâm điểm của thế giới. Khi cơ hội mở ra mà chúng ta có nội lực, đó là cơ hội.

Vậy phải làm gì để doanh nghiệp tận dụng được cơ hội? Các nước có công nghệ, vốn, chúng ta cần 1 đội ngũ doanh nhân có năng lực phù hợp để trở thành đối tác xứng tầm với doanh nghiệp nước ngoài. Muốn chơi được với thế giới, đầu tiên phải hiểu được thế giới, khai mở tri thức, quan hệ. Từng doanh nghiệp đều phải có tư duy hội nhập quốc tế, hiểu được văn hoá doanh nhân quốc tế, từ đó hoàn thiện, điều chỉnh cho hoà hợp với doanh nghiệp thế giới, đặc biệt là doanh nghiệp đối tác.

Điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết 41 là yêu cầu “Hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam”. VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, đây cũng là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động do VCCI tổ chức nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới. Sắp tới VCCI có kế hoạch xây dựng triết lý doanh nhân với những giá trị chung và có bản sắc riêng của doanh nhân Việt Nam.

Vậy VCCI sẽ triển khai những chương trình gì để hỗ trợ doanh nghiệp từ những vấn đề ông vừa nêu hướng tới thực hiện Nghị quyết 41?

Ông Phạm Tấn Công: Truyền thống và thế mạnh của VCCI là góp sức để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cùng với các bộ ngành trong công tác tham mưu, phản biện chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ.

Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với VCCI trong năm 2024 là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo đúng tinh thần Nghị quyết 41. Đó là, môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng.

Thứ nhất, về quản trị, điều hành doanh nghiệp. VCCI xác định nhiệm vụ của mình phải giúp xúc tiến, khai mở thị trường. VCCI sẽ tăng cường đưa các đối tác nước ngoài đến Việt Nam, định vị đối tác lớn để kết nối cho DN trong nước, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)…

Thứ hai, VCCI sẽ tích cực xây dựng mức độ nhận diện và uy tín của doanh nhân Việt Nam thông qua xây dựng văn hoá kinh doanh. Đây là yêu cầu quan trọng bên cạnh vai trò nhà nước đóng vai trò quản lý.

Thứ ba, VCCI là tổ chức quốc gia đại diện cho doanh nhân Việt Nam tiên phong trong việc xây dựng đạo đức văn hoá kinh doanh.

Thứ tư, VCCI xác định phải mạnh mẽ tiên phong thúc đẩy hình thành và định hình đội ngũ doanh nhân Việt Nam, trong đó, mảng việc quan trọng là tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng. VCCI có thế mạnh trong việc vừa kết hợp đào tạo với kết nối doanh nhân, doanh nghiệp với các trường đại học trên cả nước.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Nhà đầu tư