Tăng trưởng kinh tế còn đối mặt nhiều thách thức
Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 20/5.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỉ USD

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, về đánh giá bổ sung kết quả năm 2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng và ước cả năm 2023. Trong những tháng cuối năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tiến độ phê duyệt các quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Tình hình kinh tế xã hội những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội cơ bản phù hợp, có nhiều thay đổi tích cực. Một số chỉ tiêu kinh tế- xã hội đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.

“Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05% (số đã báo cáo đạt trên 5%), thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng ở mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao, lạm phát kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,25% (số báo cáo tăng khoảng 3,5%)”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Thị trường tiền tệ, ngoại khối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm, thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2%, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội và các nhiệm vụ cấp thiết khác.

Nhiều chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,5% GDP, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần và ngưỡng cảnh báo…

Các ĐBQH tham dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”; xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 02 bậc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, những kết quả đạt được của năm 2023 là rất đáng ghi nhận, trân trọng và tự hào.

Tuy nhiên, nước ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng năng suất lao động chưa đạt yêu cầu. Thủ tục đầu tư kinh doanh còn rườm rà.

Về triển khai kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, thực hiện Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai Nghị quyết số 01, 02 và các Nghị quyết của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Kinh tế đầu năm 2024 ổn định, lạm phát được kiểm soát

Kết quả đạt được những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 – 2023.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

“Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ.

Về tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp ; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh.

Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn.

Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn. Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đạt yêu cầu.

Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi…

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn.

Về nhiệm vụ và giải pháp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã nêu 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp triển khai trong thời gian tới. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Tiếp tục đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách, quy định mới, thí điểm, đặc thù trình Quốc hội. Khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các luật, nghị quyết đã được thông qua.

Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng , nhất là thi công 1.000 km đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km, mở ra không gian, động lực phát triển mới, làm tăng giá trị gia tăng quỹ đất, giảm chi phí logistics.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…

Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp