172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022

Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã công nhận 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022. So với năm 2021, năm nay cả nước đã có thêm 48 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Thông tin này được đưa ra tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/10, giới thiệu và cung cấp thông tin về Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8 năm 2022.

Theo đó, kỳ xét chọn Thương hiệu quốc gia lần thứ 8 tiếp tục thu hút được sự quan tâm tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của Chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng như phát triển thị trường.

Khẳng định vị thế của Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế

Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và khẳng định vị thế trên thị trường thông qua 3 tiêu chí “Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong”.

Đồng thời, thông qua các hoạt động quảng bá và hỗ trợ doanh nghiệp, Chương trình đã tăng cường sự nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt; tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, từ rất sớm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đến vai trò của thương hiệu. Vì vậy từ năm 2003, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Ngành triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Điều này đã thể hiện rõ quyết tâm, điều hành hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Từ đó khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

“Chương trình không phải là giải thưởng mà việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam chỉ là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của Chương trình. Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp nhưng sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước, đẩy mạnh phát triển thương hiệu của mình ra thế giới”, Thứ trưởng khẳng định.

Điểm mới trong công tác xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022

Về điểm mới trong công tác xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm nay, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó Trưởng ban, Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, thông tin: Kỳ xét chọn năm nay ghi nhận số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tăng với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, tăng 48 doanh nghiệp so với năm 2020 (124 doanh nghiệp).

Ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó Trưởng ban, Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam

Số lượng các doanh nghiệp mới tham gia Chương trình có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia cũng tăng mạnh với 64 doanh nghiệp, chiếm 37,2% trên tổng số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia . Bên cạnh đó, kết quả năm nay tiếp tục ghi nhận con số đáng tự hào khi 19 doanh nghiệp đã có 8 lần liên tiếp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia kể từ kỳ xét chọn đầu tiên năm 2008.

Đáng lưu ý, trong số các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm nay đã xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp trải dài trên 30 ngành hàng khác nhau. Về mặt địa lý, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022 đến từ 35 tỉnh thành thuộc cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Việt Nam đang tham gia tích cực và sâu rộng vào tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, và trong tiến trình đó việc khẳng định vị thế của quốc gia trong nhận thức của cộng đồng quốc tế là một yêu cầu tất yếu, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, để thành công, chúng ta cần xây dựng những thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đóng góp vào những thành quả của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, không thể không kể tới sự đồng hành, chung tay tích cực của các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung – mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng vị thế cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đổi mới, sáng tạo được đánh giá cao và là tiêu chí “đinh” trong công tác xét chọn sản phẩm

Lý giải những thắc mắc của doanh nghiệp và truyền thông tham gia sự kiện về những quyền lợi được hưởng sau khi sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia , ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng ban, Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho hay: Sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia sẽ được Chương trình hỗ trợ và đồng hành quảng bá trên thị trường trong nước và quốc tế, thông qua đó quảng bá cho Chương trình và quốc gia Việt Nam. Cụ thể, doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia sẽ được sử dụng logo của Chương trình trên sản phẩm truyền thông cho sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia . Doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận cũng sẽ được tập trung hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản trị và phát triển thương hiệu. Hỗ trợ quảng bá hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, Chương trình đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ngày 20/4 hàng năm Chương trình Thương hiệu quốc gia tổ chức đa dạng hoạt động để tăng tính lan toả cho chương trình. Ngoài ra trong các hoạt động khác cũng được lồng ghép để quảng bá cho sác sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia .

Ông Vũ Bá Phú thông tin thêm: Yếu tố đổi mới, sáng tạo luôn được đánh giá cao và là tiêu chí “đinh” trong công tác xét chọn sản phẩm. Trong kỳ xét chọn này, Ban tổ chức đã làm việc chặt chẽ với các chuyên gia để mỗi doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia luôn được các chuyên gia cân nhắc kỹ yếu tố đổi mới sáng tạo.

Ông Phạm Hồng Quân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Giao hàng tiết kiệm

Chia sẻ ý nghĩa về giải thưởng Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Giao hàng tiết kiệm Phạm Hồng Quân cho biết, DN rất vinh dự khi có sản phẩm đạt THQG Việt Nam trong kỳ xét chọn thứ 8 năm 2022. Thành quả này là niềm tự hào của tập thể hơn 30.000 nhân viên của Giao hàng tiết kiệm đang nỗ lực mỗi ngày, để xây dựng nên một THQG Việt Nam.

“Qua 9 năm hình thành và phát triển, Giao hàng tiết kiệm luôn được đánh giá là đơn vị vận chuyển uy tín, có chất lượng dịch vụ vượt trội và nhận được sự tin yêu của hàng triệu nhà bán lẻ trực tuyến. Với hơn 1 tỷ đơn hàng phục vụ hơn 70 triệu người tiêu dùng trên khắp lãnh thổ Việt Nam, DN đã góp phần thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua”, doanh nhân này tự hào.

Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8 năm 2022 với chủ đề “Kiến tạo tương lai” sẽ diễn ra ngày 2/11 với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, địa phương, đông đảo doanh nghiệp.

Theo Tạp chí Công thương