[Thừa Thiên Huế] Chuyển mình về thu hút đầu tư trong bối cảnh mới

9 tháng đầu năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép cho 24 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 12.189,4 tỷ đồng (gồm 04 dự án FDI vốn đăng ký 257,17 triệu USD).

Thu hút đầu tư ấn tượng

Phát huy thế chủ động, nắm bắt xu thế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, tỉnh Thừa Thiên Huế tạo được ấn tượng với các nhà đầu tư. Cụ thể như: Năm 2021, Thừa Thiên Huế trong top 10 tỉnh, thành phố có điểm Chỉ số PCI hàng đầu Việt Nam; tỉnh đứng đầu toàn quốc về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI; đứng thứ 4 cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); giữ ngôi vị thứ 2 về chỉ số chuyển đổi số (DTI).

Cùng với đó, tỉnh vận dụng tốt các tiềm năng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư như: Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây, khu di sản văn hóa thế giới…

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức gặp gỡ, làm việc với nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như: Hòa Phát, Sovico, KMH (Hàn Quốc); AGR, SermSang (Thái Lan); Itochu, Yoshida Kaiun (Nhật Bản),… Trong đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp như: Hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh” với các lĩnh vực kêu gọi đầu tư trọng điểm gồm: du lịch, nông nghiệp, môi trường và năng lượng, thu hút hơn 180 doanh nghiệp quốc tế tham gia; Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc – Khu vực miền Trung và Tây Nguyên”…

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trao chủ trương nghiên cứu đầu tư cho đại diện của các nhà đầu tư (Ảnh: thuathienhue.gov.vn)

Mới đây (08/10/2022), Thừa Thiên Huế tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây. Trong xu thế phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế hiện nay đang chuyển hướng từ vận chuyển các mặt hàng rời sang vận chuyển hàng hóa đóng container do phương thức này có nhiều ưu điểm (giảm chi phí, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kĩ thuật, năng suất lao động tăng…). Việc phát triển cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng Chân Mây là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung. Tại Hội nghị này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao chủ trương nghiên cứu đầu tư 7 dự án và trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án tiêu biểu.

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 9 tháng đầu năm 2022, có 633 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.498,8 tỷ đồng, tăng 38,8% về lượng và tăng 59,6% về vốn so với cùng kỳ. Đồng thời, tỉnh đã cấp phép cho 24 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 12.189,4 tỷ đồng (gồm 04 dự án FDI vốn đăng ký 257,17 triệu USD); cấp điều chỉnh cho 16 dự án, trong đó điều chỉnh tăng vốn đầu tư 05 dự án, vốn đầu tư tăng thêm 521,5 tỷ đồng. Ngoài ra, có 7 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư trên 3.523 tỷ đồng.

Chính quyền đồng hành

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác cải cách hành chính. Tỉnh đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, đổi mới mời gọi đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đối tượng cụ thể, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và quy hoạch phát triển của tỉnh. Hiện, tỉnh đã thống nhất danh mục dự án và đang giao các sở chuyên ngành lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư để công bố danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025. Đối với các Khu kinh tế, công nghiệp, tỉnh đã ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2022.

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, đầu năm 2022 tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác liên ngành nhằm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định luôn đồng hành, ủng hộ các doanh nghiệp, nhà đầu tư  (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)

Được biết, về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước. Khi thành lập, doanh nghiệp được hỗ trợ hoàn thiện miễn phí hồ sơ, hỗ trợ chữ ký số, hoá đơn điện tử, hỗ trợ chi phí thuê kế toán trong những năm đầu hoạt động. Đi vào hoạt động, doanh nghiệp được hỗ trợ văn phòng làm việc, chi phí thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh tại các Khu, cụm công nghiệp, chi phí hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ đổi mới, chuyển giao và cải tiến công nghệ, chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ đầu tư, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp…

Hiện nay, cùng với việc thực hiện việc công khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, danh mục lĩnh vực thu hút đầu tư, dự án ưu tiên đầu tư… Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn. Thừa Thiên Huế đang hướng đến xây dựng hệ thống đối tác kết nối đầu tư thông qua các đối tác của các doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng; các đại diện xúc tiến đầu tư của tỉnh tại các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc.

Song song với đó, Thừa Thiên Huế đang tập trung phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia như: Đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài,… nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, lãnh đạo tỉnh tiếp tục quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thay đổi tư duy, tác phong phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức nhằm tạo môi trường đầu tư minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển và tiếp tục thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Thừa Thiên Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, luôn đồng hành, ủng hộ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả; thúc đẩy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế. Với điều kiện cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, sự quan tâm ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, chính sách thu hút của tỉnh, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tin tưởng sẽ có nhiều doanh nghiệp trong nước, cũng như nước ngoài đến đầu tư kinh doanh tại tỉnh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp