[Quảng Trị] Đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại

Hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài; các hoạt động đối ngoại kinh tế; xuất, nhập khẩu… để tăng cường hội nhập quốc tế.

Gian hàng tiêu chuẩn của tỉnh Quảng Trị tham gia Hội chợ thương mại Việt-Lào (VietLao Expo) năm 2023 được tổ chức tại Thủ đô Vientiane (Lào) -Ảnh: H.T

Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị tiếp tục củng cố, tăng cường và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh với các địa phương nước ngoài đã thiết lập quan hệ hợp tác; chủ động kết nối, xúc tiến việc mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và địa phương nước ngoài khác.

Tích cực duy trì, tăng cường mối quan hệ mật thiết với đại sứ quán các nước tại Việt Nam cũng như đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài và nhiều tổ chức quốc tế.

Mặt khác, hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh thông qua hoạt động gặp gỡ, xúc tiến giữa lãnh đạo tỉnh với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp (DN) FDI; lắng nghe, giải quyết những vấn đề mà các DN, cá nhân nước ngoài đang quan tâm.

Với sự phát triển của kinh tế và công nghệ thông tin, các cấp, các ngành, người dân và DN trong tỉnh cũng đã tiếp cận được thông tin về hội nhập quốc tế nhanh chóng và rõ ràng hơn, có cái nhìn sâu sắc hơn về quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia khác nói chung và quan hệ của tỉnh với các đối tác nước ngoài nói riêng.

Đặc biệt, các DN cũng đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của hội nhập quốc tế, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để cải thiện sản phẩm và dịch vụ của mình.

Nhờ đó, một số DN địa phương đã thành công trong việc mở rộng quy mô hoạt động và tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân. Công tác thông tin tuyên truyền ngoại giao kinh tế được nghiêm túc triển khai, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh, tập trung vào các nội dung như: tuyên truyền các chính sách thu hút đầu tư; giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, quê hương và con người địa phương; quảng bá vai trò, vị trí của Việt Nam khi đảm nhận thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc… nhằm tăng cường sự hiểu biết, hữu nghị và hợp tác giữa Nhân dân Quảng Trị với bạn bè quốc tế, góp phần làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nhu cầu hợp tác của tỉnh, nhất là hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.

Nhờ chủ động đề xuất các giải pháp đồng bộ nên kết quả thu hút, vận động thực hiện các dự án ODA trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2013-2023 đạt được những kết quả tích cực.

Tỉnh Quảng Trị đã và đang phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác với các đối tác phát triển; đã tiếp nhận và thực hiện các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

Từ năm 2013 đến nay, tỉnh kêu gọi được 18 dự án ODA và vốn vay ưu đãi với tổng mức đầu tư là 7.082,35 tỉ đồng. Nhiều chương trình và dự án ODA có quy mô vốn lớn, được triển khai có hiệu quả, được nhà tài trợ và Nhân dân vùng hưởng lợi đánh giá cao.

Công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh và dần đi vào khuôn khổ, có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nhà đầu tư tiềm năng; chú trọng thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng cho các lĩnh vực giao thông, đô thị, y tế, giáo dục.

Định kỳ hằng năm, được sự hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh đã ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư nhằm phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành và địa phương thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư; thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm cải thiện, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, thực hiện theo quy trình một đầu mối và hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai dự án thuận lợi nhất.

Kết quả, giai đoạn 2013- 2023, tỉnh đã thu hút được 14 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2.518,04 triệu USD. Đến nay, tỉnh có 19 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,5 tỉ USD, trong đó có15 dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là 106,145 triệu USD; 4 dự án đang triển khai xây dựng với tổng số vốn đăng ký là 2.429,94 triệu USD.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã chủ động, tích cực tham gia các hội nghị, gặp gỡ bên lề, các liên kết kinh tế, diễn đàn song phương, đa phương nhằm tăng cường quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Quảng Trị đến các nhà đầu tư trên thế giới; xúc tiến, kêu gọi đầu tư, tranh thủ tối đa các nguồn lực cho sự phát triển và nâng cao vị thế của địa phương và đất nước.

Đẩy mạnh làm việc với các tổ chức đầu mối, nhà đầu tư chiến lược nhằm xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Trị. Công tác vận động, sử dụng, quản lý nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh tiếp tục được chú trọng.

Trong giai đoạn 2013-2023, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan vận động viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao nước ngoài, tổ chức phi chính phủ và các cá nhân nước ngoài 453 chương trình, dự án, viện trợ phi dự án với tổng nguồn vốn cam kết tài trợ đạt gần 195 triệu USD.

Cùng với nỗ lực của địa phương, các dự án phi chính phủ đã góp phần tích cực và hiệu quả vào công cuộc phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả bom mìn, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, phát triển cộng đồng… trên địa bàn.

Hội nhập kinh tế quốc tế được tỉnh coi là một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết về hội nhập kinh tế quốc tế, các hiệp định, nhiệm vụ trọng tâm của hội nhập kinh tế quốc tế trong từng ngành, lĩnh vực.

Xúc tiến thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh, thành phố của các nước có nhiều điểm tương đồng với tỉnh Quảng Trị và có tiềm năng, thế mạnh như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga… nhằm đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư.

Đồng thời tận dụng cơ hội, lợi thế từ Hiệp định thương mại và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để mở rộng thị trường trong và ngoài nước, kết hợp vốn, công nghệ, kiến thức quản lý để phát triển DN và sản phẩm; thúc đẩy liên kết, hợp tác liên ngành, đa ngành và đa phương, bền vững, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Theo Báo Quảng Trị