[Quảng Bình] Khẳng định “thương hiệu” hàng hóa xuất xứ Quảng Bình
Hàng hóa xuất xứ từ Quảng Bình mà bài viết nhắc đến ở đây là những sản phẩm đạt chuẩn OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) của tỉnh đã được xét duyệt, công nhận. Qua thời gian, những sản phẩm này ngày càng khẳng định chất lượng, uy tín, được người tiêu dùng đón nhận.
Nâng tầm sản phẩm
Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (Bố Trạch) là một trong những đơn vị luôn tiên phong trong việc tìm tòi, nghiên cứu, sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng, như: Nấm ăn và nấm dược liệu, các sản phẩm chế biến từ nấm và cây dược liệu.
Không chỉ chất lượng mà hình thức nhãn mác của sản phẩm xuất xứ từ Quảng Bình cũng đã được đầu tư, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Trong đó, có 13 sản phẩm đã đạt sản phẩm OCOP 3 và 4 sao; 1 sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia, 1 sản phẩm CNNTTB cấp khu vực miền Trung-Tây Nguyên. HTX đã ký kết các hợp đồng và liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm thương phẩm với các hệ thống siêu thị bán lẻ lớn trên toàn quốc và các cửa hàng nông sản trong, ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho rằng: Việc nâng tầm và xây dựng thương hiệu các sản phẩm có xuất xứ Quảng Bình là cần thiết, đòi hỏi các chủ thể phải cố gắng nỗ lực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để có những sản phẩm chất lượng cao, mang hương vị đặc trưng của Quảng Bình và đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ngoài sự phát huy nội lực của các chủ thể, cần có sự hỗ trợ, định hướng của các cấp, chính quyền để lan tỏa các sản phẩm xuất xứ Quảng Bình.
HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh ký kết với Công ty thương mại Viêng Sa Văn-Lào tại hội nghị kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa giữa doanh nghiệp 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ của Việt Nam với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nước Lào và Thái Lan.
Bà Hoàng Thị Hải Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC-XTTM) Quảng Bình cho biết: Thời gian qua, cùng với các sở, ngành, địa phương, trung tâm đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí KC-XTTM của quốc gia cũng như địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), HTX, cơ sở sản xuất (CSSX) đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể, trung tâm đã hỗ trợ các DN, HTX, CSSX đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; đổi mới dây chuyền máy móc, thiết bị, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ thiết kế mẫu mã nhãn mác, bao bì sản phẩm, từ đó đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNTTB.
Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Bình có 20 sản phẩm OCOP 4 sao, 91 sản phẩm OCOP 3 sao; 9 sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia, 28 sản phẩm CNNTTB cấp khu vực, 150 sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh.

Trung tâm cũng hỗ trợ các đơn vị tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành trong cả nước nhằm trưng bày, quảng bá giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến người tiêu dùng, đồng thời mở rộng hợp tác với các kênh phân phối và hệ thống siêu thị lớn tại các thành phố. Song song với đó là phối hợp tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi; hỗ trợ xây dựng các cửa hàng tiện ích bán hàng Việt tại các huyện, thị xã, thành phố,… Các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm được trung tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú.

Trung tâm đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực XTTM, phát triển thị trường cho các DN, HTX, CSSX, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các DN tham gia quảng bá và bán sản phẩm trên Sàn giao dịch Thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Quảng Bình, xây dựng các “Gian hàng Việt trực tuyến” quảng bá và bán sản phẩm CNNT tiêu biểu, OCOP trên một số sàn TMĐT lớn, có uy tín của Việt Nam; đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Quảng Bình vào hệ thống kênh phân phối hiện đại và các sàn TMĐT của các tỉnh, thành phố.
Tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng
Các cửa hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được xem là những cánh tay nối dài, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Khảo sát sơ bộ tại một số quầy hàng giới thiệu, bày bán sản phẩm nông sản sạch trên địa bàn TP. Đồng Hới cho thấy, hàng Quảng Bình chiếm tỷ lệ cao.
Những sản phẩm có xuất xứ từ Quảng Bình được trưng bày tại các kệ hàng của Cửa hàng nông sản sạch An Nông.
Công ty TNHH MTV An Nông có chuỗi cửa hàng nông sản sạch đã gây dựng được uy tín trên thị trường sau 7 năm có mặt tại TP. Đồng Hới. Bên cạnh những mặt hàng trong cả nước, trên các kệ hàng của An Nông là không ít những sản phẩm xuất xứ từ Quảng Bình.
Bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Nông cho biết: Ở mỗi nhóm hàng, An Nông sẽ chọn những sản phẩm tiêu biểu xuất xứ từ Quảng Bình để giới thiệu tới khách hàng. Tiêu chí lựa chọn của An Nông là sản phẩm có chất lượng tốt, không dùng chất bảo quản, không pha tạp lẫn lộn; có quy trình nhà xưởng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; mẫu mã bao bì đẹp, sang trọng và thân thiện với môi trường. Các sản phẩm “made in Quang Binh” mà An Nông giới thiệu, bày bán đều được khách hàng yêu thích, đón nhận, khả năng tiêu thụ rất tốt.
Anh Lê Công Như, chủ cửa hàng đặc sản OCOP-nông sản sạch (TP. Đồng Hới) chia sẻ: Ở xa, nhiều lúc còn tâm lý sợ bị nhầm hàng kém chất lượng, hàng giả này khác, còn sản phẩm của tỉnh mình, khách hàng thấy địa chỉ rõ ràng và đã được các cơ quan kiểm nghiệm, đánh giá… Ở cửa hàng của tôi, trên 50% mặt hàng là sản phẩm của Quảng Bình và rất được khách ưa chuộng, như: Tinh bột nghệ, bánh xoài Vân Di; tinh dầu Giáo Vượng; nước mắm, cá cơm rim Long Tám…
Khách hàng sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Không còn chỉ đơn thuần là tâm lý “người Quảng Bình dùng hàng Quảng Bình”, thực sự, những sản phẩm có xuất xứ Quảng Bình được người tiêu dùng đón nhận bởi chất lượng, giá cả phù hợp với nhu cầu của họ.
Chị Nguyễn Thị Như Nguyệt, ở phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) chia sẻ: Là người tiêu dùng, thấy những sản phẩm chất lượng “made in Quang Binh”, thực sự tôi rất tự hào. Điều này chứng tỏ các nhà sản xuất đã bắt kịp sự lựa chọn thông minh của người tiêu dùng để làm ra các sản phẩm chất lượng, an toàn của quê hương, nâng mức cạnh tranh với các hàng hóa khác, mạnh dạn tạo ra các thương hiệu đáng tin cậy.
Chắp cánh cho những sáng tạo mới
Từ những thành công bước đầu trong sản xuất, chế biến nông sản sạch, với mong muốn tạo ra được những sản phẩm có giá trị cao, được chế biến sâu từ nông sản tại quê hương, sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm, HTX Nông nghiệp số Quảng Bình đã chọn sản phẩm bánh Biscotti lá gai để phát triển.
Bánh Biscotti lá gai của HTX Nông nghiệp số Quảng Bình được xem là sản phẩm mới tiềm năng
Chị Ngô Thị Huệ, Giám đốc HTX chia sẻ: Bánh Biscotti là hệ bánh Âu, kết hợp với lá gai tạo nên sự mới mẻ, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Đây là một loại bánh healthy, tốt cho sức khỏe và hot trên thị trường, giá bán sản phẩm cũng khá cao. Sản phẩm hướng đến hai thị trường chính: Quà tặng đặc sản tỉnh Quảng Bình và thực phẩm ăn vặt có lợi cho sức khỏe. Sau khi hoàn thiện sản phẩm, đem sản phẩm đi giới thiệu, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ 50 triệu đồng để HTX đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị.
“Đối với các sản phẩm mới tiềm năng, trung tâm sẽ quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ từ khâu sản xuất, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ sản xuất, XTTM từ nguồn kinh phí địa phương, trung tâm thường xuyên nắm bắt sát thông tin, định hướng thị trường và các chương trình XTTM cấp quốc gia của Bộ Công thương để kết nối cho các DN tham gia, từ đó giúp DN có thêm định hướng rõ ràng để xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Phó Giám đốc Trung tâm KC-XTTM Hoàng Thị Hải Vinh cho biết thêm.
Các đối tác đến từ nước bạn Lào, Thái Lan quan tâm các sản phẩm OCOP của Quảng Bình.
Ủng hộ sản phẩm của các DN, HTX, CSSX của Quảng Bình là ủng hộ cho sự phát triển của quê hương, tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động tại địa phương. Và cũng chính từ việc tạo dựng được niềm tin, đứng vững được trên thị trường trong tỉnh, các đơn vị có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh và vươn tầm ra thị trường trong nước và quốc tế; truyền cảm hứng để tiếp tục nghiên cứu sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm mới chinh phục người tiêu dùng.