Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Chính sách tài khóa tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển

Trong các chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế đã và đang được thực hiện, các biện pháp hỗ trợ thông qua công cụ tài khóa đóng vai trò hết sức quan trọng, là điểm tựa, hỗ trợ kịp thời, thiết thực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đây là đánh giá của ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

Cơ quan thuế đã có nhiều đột phá trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn thời gian qua. Ảnh: TL

PV: Ông đánh giá như thế nào về chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và phát triển được Chính phủ ban hành trong thời gian qua?

Ông Hoàng Quang Phòng: Chính sách tài khóa được Bộ Tài chính chủ động tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt ban hành đã tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), trợ giúp đắc lực cho DN vượt qua khó khăn.

Các chính sách tài khóa được ban hành kịp thời. Các giải pháp tài khóa hỗ trợ DN như giảm thuế, phí cũng như gia hạn thuế và tiền thuê đất… được triển khai thực hiện từ cuối năm 2022 và tiếp tục trong năm 2023 này đã và đang phát huy tác dụng.

ôi lấy ví dụ như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% đối với một số mặt hàng được triển khai trong năm 2022 và năm 2023 đã tác động rất tích cực đến sự phục hồi của tiêu dùng, kinh doanh. Các chính sách thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính được DN nhận biết rộng rãi và triển khai rộng khắp.

Điều tra DN diện rộng của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại 63 tỉnh, thành phố đều cho thấy rằng, các chính sách giảm, giãn, hoãn thuế phí được các DN nhận biết nhiều nhất, được hưởng lợi nhiều nhất và đánh giá cao nhất.

Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách phù hợp đã tạo ra một thị trường tài chính để có nguồn vốn đáp ứng cho DN và tập trung cho các mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023.

Tuy nhiên, DN vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn về thương trường, cơ cấu mặt hàng cũng như tình hình địa chính trị, suy giảm kinh tế thế giới, đặc biệt các hoạt động liên quan đến sản xuất, xuất khẩu. Các DN xuất khẩu đang bị thu hẹp thị trường. Những thị trường lớn, có năng lực chi trả cao đang điều tiết lại cơ cấu cho nên ảnh hưởng nhất định đến thị phần hàng xuất khẩu hàng Việt Nam.

Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính tiếp tục có giải pháp hỗ trợ DN trong những tháng cuối năm 2023.

PV: Để hỗ trợ DN, Bộ Tài chính và cơ quan thuế đã và đang nỗ lực triển khai quyết liệt các biện pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho DN, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT. Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực này?

Ông Hoàng Quang Phòng: Tôi đánh giá cao nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực được cộng đồng DN quan tâm, trong đó có hoạt động thuế và hải quan của Bộ Tài chính. Cơ quan thuế đã có nhiều đột phá trong việc hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn trong thời gian qua. Đặc biệt là việc chủ động thực hiện đẩy nhanh việc hoàn thuế GTGT cho DN.

Đối với việc hoàn thuế GTGT, tôi cho rằng, ngành Tài chính nói chung và cơ quan thuế nói riêng đã nỗ lực chỉ đạo các đơn vị chuyên môn liên quan nghiên cứu, khảo sát tình hình hoạt động của DN, có giải pháp phù hợp và đã hoàn thuế được một lượng đáng kể đối với số DN yêu cầu hoàn thuế. Việc hoàn thuế kịp thời cho DN đã giúp DN duy trì được dòng vốn đưa vào sản xuất kinh doanh.

VCCI rất vui mừng khi Bộ Tài chính công bố thông tin, trong năm 2022, cơ quan thuế trên cả nước đã hoàn thuế trên 150.000 tỷ đồng với 20.774 quyết định hoàn thuế. 7 tháng năm 2023, cơ quan thuế cả nước đã hoàn cho các DN là 70.356 tỷ đồng với 9.800 quyết định hoàn thuế.

PV: VCCI và Bộ Tài chính luôn có sự hợp tác với mục tiêu tạo thuận lợi vì sự phát triển của DN, từ nay đến cuối năm 2023, hai cơ quan sẽ có sự hợp tác thiết thực nào trong việc tạo thuận lợi cho DN, thưa ông?

Ông Hoàng Quang Phòng: VCCI – Bộ Tài chính nói chung và ngành Thuế, Hải quan nói riêng đã có quy chế phối hợp hàng năm trong hơn 15 năm qua. VCCI và Bộ Tài chính thường xuyên tiến hành các chương trình đối thoại DN về cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, chính sách tài chính có liên quan trong việc tháo gỡ vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của DN.

Tôi đánh giá cao nỗ lực của ngành Tài chính, cơ quan thuế, hải quan đã sâu sát, có chương trình đối thoại thường xuyên với DN kịp thời. Tuy nhiên, trước mắt DN vẫn còn gặp một số vướng mắc về hoàn thuế và thủ tục thông quan hàng hóa. Những vướng mắc của DN sẽ được chúng tôi tập hợp kịp thời trao đổi với Bộ Tài chính và cơ quan chức năng để có giải pháp xử lý, đảm bảo cho DN tận dụng được cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; tận dụng lợi thế từ các FTA đa phương và song phương mà Việt Nam ký kết.

“Tôi đánh giá cao nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực được cộng đồng doanh nghiệp (DN) quan tâm, trong đó có hoạt động thuế và hải quan. Việc hoàn thuế kịp thời cho DN đã giúp DN duy trì được dòng vốn đưa vào sản xuất kinh doanh. VCCI rất vui mừng khi Bộ Tài chính công bố thông tin, trong năm 2022, cơ quan thuế trên cả nước đã hoàn thuế trên 150.000 tỷ đồng với 20.774 quyết định hoàn thuế”.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI

Tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp

Để đảm bảo mục tiêu đề ra của Chính phủ, Quốc hội về mục tiêu tăng trưởng GDP và kiềm chế chỉ số lạm phát trong năm 2023, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bằng các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Hiện nay, các DN đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, sức cạnh tranh. Trong bối cảnh trên, để tháo gỡ khó khăn cho DN, cần thực hiện cải cách thể chế. Không chỉ đơn giản thủ tục hành chính, mà còn hướng đến cắt giảm chi phí đầu tư phát sinh từ quy định pháp luật.

Đại diện cộng đồng DN, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, VCCI mong muốn các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, Chính phủ và các bộ, ngành tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, giải quyết sớm những yếu cầu khúc mắc cho DN.

Để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của DN những tháng cuối năm 2023, VCCI đã đề xuất một số giải pháp lớn cần thực hiện.

Cụ thể, thứ nhất, tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh. Thứ hai, tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của Nhà nước. Thứ ba, cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ hiện đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực. Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo. Thứ năm, đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Tài chính