[Quảng Bình] Doanh nghiệp Quảng Bình vượt khó để phát triển
Gồng mình qua đại dịch và tác động của suy thoái kinh tế, năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp (DN) tỉnh Quảng Bình. Trong khó khăn, các DN đã nỗ lực vượt qua để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD), tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng năm 2023, sở đã cấp đăng ký thành lập mới giấy chứng nhận đăng ký DN cho 436 DN với số vốn đăng ký hơn 5.244 tỷ đồng (giảm 20% về số lượng DN và tăng 6,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022). Tính đến ngày 14/9/2023, đã cấp đăng ký thành lập mới giấy chứng nhận đăng ký DN cho 8.436 DN, với số vốn đăng ký hơn 112.572 tỷ đồng. Cũng trong 9 tháng qua, đã có 288 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, 32 DN giải thể tự nguyện và 185 DN hoạt động trở lại.
Các doanh nghiệp may mặc khắc phục khó khăn, duy trì việc làm, thu nhập cho lao động.
Trong năm 2023, những khó khăn mà cộng đồng DN cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Bình phải đối mặt đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, đó là: Sức mua của thị trường suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm. Thiếu đơn hàng, sụt giảm doanh thu khiến nhiều DN đang chật vật trong việc giữ chân người lao động (LĐ) để chờ đợi thị trường phục hồi. Không ít DN lựa chọn phương án thu hẹp hoạt động SXKD, giảm giờ làm, cho LĐ nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm LĐ. Bên cạnh đó, DN cũng chịu áp lực bởi chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động SXKD; khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng khó khăn. Ngoài ra, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục gặp khó…
Là DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc, ông Võ Xuân Trung, Giám đốc Xí nghiệp May Hà Quảng cho biết: Trong năm 2023, đơn vị phải đối mặt với tình trạng khan hiếm đơn hàng và giá gia công giảm mạnh. Cụ thể, đơn hàng thiếu hụt khoảng 30% và giá gia công giảm từ 25-30% nên tình hình SXKD gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi phải tích cực tìm kiếm các đơn hàng có giá trị thấp, với mục đích là duy trì được việc làm cho LĐ. Hiện tại, đơn vị vẫn duy trì việc làm cho 1.100 LĐ với thu nhập trung bình khoảng 7 triệu đồng/người/tháng”, ông Võ Xuân Trung nói.
Cộng đồng doanh nghiệp Quảng Bình tham gia thi công các công trình trọng điểm của quốc gia và của tỉnh.
Ông Phan Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Trung Quảng Bình cho biết, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, những khó khăn mà công ty đang đối mặt hiện nay là thị trường sản xuất và tiêu thụ. Mặt khác, tình hình tài chính cũng rất khó khăn, DN đã sản xuất khó, thị trường tiêu thụ khó, giá cả thấp nhưng không dám vay vốn vì lãi suất cao, vay thêm thì càng lỗ. DN hiện nay cũng rất muốn đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh doanh nhưng có những vướng mắc, khó khăn phát sinh, nhất là liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy.
“Trong điều kiện khó khăn hiện nay, áp lực của các DN là bảo đảm công ăn việc làm, tiền lương cho người LĐ. Bên cạnh đó là việc thực hiện bảo đảm nghĩa vụ ngân sách, bảo hiểm xã hội… cũng đang là những thách thức cho DN. Chúng tôi mong muốn nhà nước tiếp tục có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN”, ông Phan Văn Thành chia sẻ.
Trước tình hình khó khăn trong hoạt động SXKD, đồng hành cùng cộng đồng DN, tỉnh Quảng Bình đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, hỗ trợ DN kinh doanh du lịch; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023. Tổ chức các hội nghị gặp mặt DN, nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ để lắng nghe, trả lời và giải quyết các kiến nghị của DN. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và xúc tiến đầu tư tại Hà Nội.
Công trình Trung tâm một cửa liên thông Công an tỉnh do Công ty TNHH XD Việt Tiến đảm nhận thi công dự kiến vượt tiến độ 12 tháng.
Cũng trong thời gian qua, tỉnh đã tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ triển khai Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 9/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025 để lắng nghe ý kiến từ các DN, đơn vị. Đồng thời, giao các sở, ngành thực hiện các công tác để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị là thành viên của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ DN bằng các hình thức linh hoạt trong đó có tổ chức đối thoại DN. Tổ chức rà soát để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương xem xét xử lý đối với 15 nhóm vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng và thực thi các luật, văn bản hướng dẫn thi hành theo kiến nghị, đề xuất của người dân, DN.
Về tài chính, tín dụng, tính đến ngày 30/9/2023 các tổ chức tín dụng huy động được 61.788 tỷ đồng, tăng 10,63% so với đầu năm. Tổng dư nợ đạt 81.964 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm, trong đó cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn là 32.278 tỷ đồng, tăng 4,9%; cho vay DN nhỏ và vừa 10.007 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ; tín dụng chính sách đạt 4.892 tỷ đồng, tăng 11,4% so với đầu năm. Thực hiện văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện kịp thời, nghiêm túc chủ trương giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đồng thời triển khai cho vay đối với các chương trình, chính sách tín dụng cũng như thực hiện chính sách miễn giảm thuế.
Ông Nguyễn Văn Lành, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Việt Tiến chia sẻ: Đúng là năm 2023 có nhiều khó khăn đối với cộng đồng DN, nhất là việc tiếp cận tín dụng, lãi suất cao, chi phí sản xuất cao. Công ty chúng tôi cũng không nằm ngoài khó khăn chung này. Tuy nhiên, tập thể lãnh đạo và cán bộ, người LĐ công ty đã luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để tập trung thực hiện các công trình, dự án bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Công trình trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh do Công ty TNHH xây dựng Việt Tiến đảm nhận thi công dự kiến vượt tiến độ 12 tháng.
“Các công trình do công ty thi công đều có tiến độ rất tốt, trong đó công trình trụ sở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, công trình Trung tâm một cửa liên thông Công an tỉnh dự kiến vượt tiến độ 12 tháng. Bên cạnh đó, còn nhiều dự án mà công ty đã và đang đảm nhận thi công cũng đang vượt tiến độ và tỷ lệ giải ngân của tỉnh, của chủ đầu tư giao”, ông Nguyễn Văn Lành cho hay.
Từ đầu năm đến ngày 30/9/2023, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ giải quyết thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư cho 25 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 9.896 tỷ đồng, trong đó có 20 dự án sử dụng đất với tổng vốn đầu tư hơn 2.258 tỷ đồng, 5 dự án khu đô thị khu nhà ở với tổng vốn 7.638 tỷ đồng; đồng thời, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 45 dự án.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quảng Bình Lê Thuận Văn cho biết: Với trên 8.000 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, cộng đồng DN Quảng Bình đã và đang đóng góp quan trọng vào phát triển, ổn định kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm và thu nhập cho người LĐ, đóng góp ngân sách nhà nước và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Sự đóng góp của DN đối với tỉnh nhà đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, hàng năm đóng góp trên 45% GDP và hơn 60% tổng thu ngân sách trong cân đối; tạo việc làm cho hơn 100.000 LĐ thường xuyên và hàng vạn LĐ thời vụ với mức thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng, đặc biệt có DN đạt mức lương bình quân trên 17 triệu đồng/người/tháng.

“Các DN cũng đã thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh với hàng chục tỷ đồng; nhiều DN được Đảng, Nhà nước, tỉnh tôn vinh, khen thưởng” ông Lê Thuận Văn khẳng định.