[Gia Lai] Thúc đẩy thương mại biên giới phát triển

Việc hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm tại Campuchia thông qua các chương trình xúc tiến thương mại đã mang lại những kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy thương mại biên giới phát triển.

Hỗ trợ kết nối giao thương

Hàng năm, Sở Công thương tổ chức phiên chợ biên giới tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh và các hộ kinh doanh huyện Oyadav (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia).

Phiên chợ góp phần thúc đẩy hoạt động mua bán, xuất khẩu hàng hóa qua biên giới, khuyến khích đầu tư hạ tầng thương mại tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Cửa khẩu Quốc tế Oyadav, góp phần phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới.

thuc-day-thuong-mai-bien-gioi-phat-trien-dd.jpg
Bà Moeu Malaiy (thứ 3 từ trái sang)-Phó Giám đốc Sở Thương mại Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) giới thiệu các sản phẩm của Campuchia tại phiên chợ biên giới 2024. Ảnh: V.T

Tham gia phiên chợ biên giới được tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua, cơ sở hạt điều rang muối Thuận Thành Phát (huyện Đức Cơ) đã nhận thấy những tín hiệu tích cực từ khách hàng 2 bên biên giới.

Ông Nguyễn Đình Thành-Chủ cơ sở-chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia phiên chợ với nhiều sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Trong đó có 3 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: hạt điều rang muối, bánh đồng tiền mix hạt, bánh thuyền.

Tại phiên chợ, người tiêu dùng Campuchia rất quan tâm đến sản phẩm của cơ sở. Đây là cơ hội tốt để cơ sở quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và tiếp cận với thị trường Campuchia trong thời gian tới”.

Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-thông tin: “Việc tổ chức phiên chợ biên giới là nhiệm vụ thường niên với mục tiêu hỗ trợ thương nhân tăng cường hoạt động mua bán, xuất khẩu hàng hóa qua biên giới, khuyến khích đầu tư hạ tầng thương mại tại

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Cửa khẩu Quốc tế Oyadav. Những năm gần đây, phiên chợ đã tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trên địa bàn tỉnh có cơ hội quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, mở ra cơ hội liên kết, phát triển kênh phân phối hàng hóa. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp 2 nước tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư, thúc đẩy hợp tác kinh doanh”.

Bên cạnh việc tổ chức phiên chợ biên giới, năm ngoái, Sở Công thương cũng đã tổ chức hội nghị giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa, trong đó có sự tham gia của sở thương mại các tỉnh Đông Bắc Campuchia (Ratanakiri, Stung Treng và Preah Vihear). Một số doanh nghiệp của Gia Lai đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Siêu thị Setra (tỉnh Ratanakiri) về phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, Sở Công thương cũng tham gia đoàn công tác làm việc tại khu vực biên giới; tham dự buổi làm việc tại Sở Thương mại tỉnh Ratanakiri. Tổ chức các hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao năng lực và kỹ năng cho thương nhân tham gia hoạt động xuất-nhập khẩu và kinh doanh thương mại khu vực biên giới.

Ngoài ra, Sở Công thương còn đưa đoàn công tác của Bộ Công thương và các hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia logistics đi khảo sát thực tế tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nhằm thu hút đầu tư hạ tầng thương mại biên giới.

Phát triển hạ tầng thương mại biên giới

2vt.jpg

Các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trưng bày ở gian hàng chung tại phiên chợ biên giới 2024. Ảnh: V.T

Gia Lai có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Ratanakiri dài hơn 80 km. Triển khai Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng thương mại biên giới, thu hút các dự án đầu tư vào Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; thông tin về quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và định hướng phát triển hạ tầng thương mại biên giới.

Nhờ đó, phát triển thương mại biên giới giữa 2 tỉnh Gia Lai và Ratanakiri đạt được một số kết quả khả quan. Kim ngạch xuất-nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tăng trưởng ổn định qua từng năm. Năm 2019 đạt 58,1 triệu USD; năm 2020 đạt 60,6 triệu USD; năm 2021 đạt 118,5 triệu USD; năm 2022 đạt 140 triệu USD; năm 2023 đạt 141 triệu USD; năm 2024 ước đạt 190 triệu USD.

Tuy có nhiều tín hiệu tích cực, song theo đánh giá của Sở Công thương, hàng hóa xuất-nhập khẩu chưa phong phú, chủ yếu là hàng bách hóa, vật tư nông nghiệp phục vụ cho các dự án của doanh nghiệp tỉnh đầu tư tại Campuchia. Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất-nhập khẩu còn hạn chế.

Hiện nay, các dự án thu hút đầu tư đa số có quy mô nhỏ, chủ yếu là ngành sản xuất chế biến nông-lâm sản và kinh doanh thương mại dịch vụ; sản phẩm sản xuất chủ yếu là sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Hoạt động giao thương trao đổi mua bán hàng hóa tại khu vực cửa khẩu chưa thu hút được nhiều đơn vị tham gia, việc trao đổi mua bán không thường xuyên, chỉ diễn ra theo thời vụ.

Hệ thống chợ cửa khẩu chưa phát huy được hiệu quả do dân cư thưa thớt. Nhiều doanh nghiệp chưa xác định Campuchia là thị trường tiềm năng, chưa có chiến lược kinh doanh dài hạn.

Năm 2024, kim ngạch xuất-nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh ước đạt 190 triệu USD (tăng 31% so với năm 2023). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 60 triệu USD (giảm 9% so với năm ngoái); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 130 triệu USD (tăng 67% so với năm ngoái).

Để thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp như: triển khai thực hiện các quy định về quản lý và điều hành hoạt động thương mại biên giới.

Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng làm công tác quản lý nhà nước tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, giữ vững an ninh trật tự xã hội khu vực biên giới.

Triển khai các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại biên giới, khai thác tối đa cơ sở hạ tầng sẵn có. Triển khai thực hiện kịp thời có hiệu quả các hiệp định, hiệp ước về biên giới quốc gia; các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ thương nhân và cán bộ quản lý nhà nước về thương mại biên giới đạt hiệu quả, đi vào chiều sâu.

Hiện nay, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, thu hút 40 dự án đầu tư kinh doanh với tổng số vốn đăng ký hơn 643 tỷ đồng, vốn thực hiện ước đạt hơn 319 tỷ đồng. Tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có 5 địa điểm kiểm tra hàng hóa đủ điều kiện hoạt động.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xây dựng kho hàng nông-lâm sản làm địa điểm tập kết hàng hóa; các dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan đủ điều kiện hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kịp thời trong hoạt động xuất-nhập khẩu.

Công tác cải cách hành chính theo hướng cải thiện môi trường đầu tư tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tiếp tục được tập trung chỉ đạo. Thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại doanh nghiệp nhằm tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật mới cũng như tư vấn, giải quyết những phát sinh các vướng mắc nhanh chóng trong phạm vi thẩm quyền; đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, các đơn vị cơ sở tại cửa khẩu báo cáo, xin ý kiến cấp trên kịp thời, đúng quy định góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất-nhập khẩu, xuất-nhập cảnh.

Theo Báo Gia Lai