[Quảng Nam] Xây dựng thương hiệu cho nông sản Quảng Nam
Xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho nông sản Quảng Nam là nhu cầu tất yếu.
Tạo vị thế cho hàng hóa
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) từ năm 2016 đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm Ngọc Linh và Sở KH&CN quản lý chỉ dẫn địa lý nổi tiếng này. Đó là cách Quảng Nam xây dựng thương hiệu cho hàng hóa sâm Ngọc Linh lâu nay.
Thương hiệu là hình ảnh, uy tín, vị thế, khẳng định chất lượng của sản phẩm sâm Ngọc Linh. Thương hiệu là cách phân biệt giữa những hàng hóa cùng loại, cũng là cách để tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến thương mại cho hàng hóa sâm Ngọc Linh. Nhờ có được thương hiệu, sâm Ngọc Linh Quảng Nam có được ưu thế cạnh tranh, chinh phục người tiêu dùng, chiếm lĩnh thị trường.
Xu thế cạnh tranh của thị trường, nhất là yêu cầu khắt khe của quốc gia nhập khẩu, hàng hóa phải xây dựng cho được thương hiệu, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được ngành chức năng chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu.
Bà Hà Thị Ánh Tuyết – Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KH&CN) cho biết, cùng với sâm Ngọc Linh, Quảng Nam còn có chỉ dẫn địa lý Trà My cho hàng hóa quế và chỉ dẫn địa lý Cù Lao Chàm – Hội An cho hàng hóa yến sào.
Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp hơn 90 nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể cho hàng hóa, sản phẩm đặc sản, làng nghề, làng nghề truyền thống Quảng Nam. Hơn 2.000 nhãn hiệu thông thường cũng đã được bảo hộ cho các sản phẩm, dịch vụ của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Trên thực tế, sau khi được chứng nhận nhãn hiệu, nhiều hàng hóa tiếp tục khẳng định được lợi thế, vươn xa hơn trên thị trường xuất khẩu như phở sắn Caromi (Quế Sơn), cá nục rim, mỳ Quảng ếch, bánh chưng bà Ba Hội (Tam Kỳ), sản phẩm thanh gạo lứt của HTX Nông nghiệp xanh Duy Oanh (Duy Xuyên).
Bà Hà Thị Ánh Tuyết cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN luôn quan tâm, phối hợp với các đơn vị tư vấn, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều đợt khảo sát, đánh giá tiềm năng xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng như tổ chức các hội thảo khoa học đánh giá, lựa chọn các sản phẩm có ưu thế để đưa vào danh mục các sản phẩm xây dựng và phát triển thương hiệu theo giai đoạn, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Trợ lực cho thương hiệu
Thời gian qua, nhiều chương trình, đề án… xây dựng và phát triển thương hiệu nói chung, thương hiệu nông sản nói riêng đã được thực hiện từ Trung ương đến địa phương nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu vùng, miền, địa phương.
Để xây dựng thương hiệu quốc gia, Chính phủ đã phê duyệt và triển khai nhiều chương trình như chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt Nam, chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value), chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Mục đích của các chương trình là xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước để hàng hóa của Việt Nam phát huy giá trị, nâng cao sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Phi Thạnh – Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, để nâng cao chất lượng hàng hóa tiến đến xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất để phát triển giá trị hàng hóa theo chuỗi và đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng.
Doanh nghiệp cần ứng dụng KH&CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, hạ giá thành và vẫn giữ được những giá trị đặc trưng, truyền thống của hàng hóa.
Cần tập trung đầu tư nguyên liệu sản xuất, xây dựng mô hình trồng và chế biến để tạo ra vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng. Vấn đề quan trọng là tăng cường xúc tiến thương mại để khơi thông đầu ra.
Xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người tiêu dùng hài lòng, tin tưởng lựa chọn, ưu tiên sử dụng hàng hóa. Thương hiệu nông sản là cầu nối xuất khẩu hàng hóa, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Nguyễn Phi Thạnh cho biết, Sở KH-CN tiếp tục tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các địa phương về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Ngành chức năng tập huấn, tuyên truyền để doanh nghiệp, HTX hiểu hơn về quyền lợi khi đăng ký nhãn hiệu, lợi ích, hiệu quả khi xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực địa phương.
“Chúng tôi quản lý chất lượng, hậu kiểm các sản phẩm mang thương hiệu của các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu các sản phẩm, hàng hóa chủ lực địa phương” – ông Thạnh nói.
Theo Sở KH&CN, để có thể vận hành hiệu quả hệ thống quản lý các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bên cạnh quy chế sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, cần xây dựng quy trình trao và thu hồi quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu; quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu; quy trình kiểm soát và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm; quy trình kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm; quy trình truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; quy chế sử dụng mẫu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trên hàng hóa, dịch vụ.