[Đắk Lắk] “Quả ngọt” từ hoạt động xúc tiến thương mại

Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại của ngành công thương, nhiều sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh đã đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp (DN) quảng bá sản phẩm và phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) là DN hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, với các sản phẩm chuyên sâu từ cà phê và ca cao, mang thương hiệu MISS EDE.

Là DN mới khởi nghiệp nên việc quảng bá và gia tăng nhận diện thương hiệu với các nhà mua hàng, người tiêu dùng luôn được công ty chú trọng. Công ty đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương trong và ngoài nước do ngành công thương tổ chức để nắm bắt thị hiếu tiêu dùng của khách hàng, cũng như tìm kiếm, phát triển thêm đại lý phân phối.

Doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các sản phẩm nông sản với các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ xuất khẩu năm 2023 do Sở Công Thương tổ chức.

Riêng trong năm 2023, công ty đã tham gia trên 20 sự kiện xúc tiến thương mại nội địa và 4 chương trình triển lãm quốc tế. Qua đó, công ty đã phát triển thêm được 10 đại lý bán lẻ trong nước, tiếp cận với hơn 80.000 lượt người tiêu dùng nước ngoài.

Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE cho biết: “Các sản phẩm của MISS EDE đang được phân phối chủ yếu trên kênh bán lẻ du lịch, với hơn 100 cửa hàng tại 7 sân bay quốc tế ở Việt Nam và hàng trăm cửa hàng đặc sản tại TP. Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hòa Bình.

Hiện, công ty cũng đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu chính ngạch với Tập đoàn Central Retail Thái Lan và những đơn hàng thử nghiệm với một số đối tác bán lẻ Hàn Quốc”.

Tương tự, cũng nhờ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, những sản phẩm nông sản và trái cây sấy thăng hoa của Công ty Cổ phần Nông sản N&H (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đã đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.

Theo bà Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản N&H thì qua mỗi chuyến đi, công ty đều tìm kiếm được thêm đối tác và đại lý phân phối. Đặc biệt là nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực từ khách hàng, giúp công ty hoàn thiện hơn về mẫu mã, bao bì và nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Đến nay, sản phẩm của công ty đã có mặt ở 200 cửa hàng đặc sản, thực phẩm sạch, mini mart tại các tỉnh thành và vào được hệ thống siêu thị Tứ Sơn (tỉnh An Giang).

Cùng với việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương hàng hóa thì ngành công thương còn tích cực hỗ trợ các đơn vị sản xuất, nhà phân phối kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh bán hàng trực tuyến. Theo đó, đã có 104 gian hàng (với 219 sản phẩm) của các DN, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã được lên sàn thương mại điện tử trong năm 2023.

“Trong năm 2023, nhờ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước mà công ty phát triển thêm được 5 tổng đại lý phân phối tại các thành phố lớn (TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội, Nha Trang); ký kết 3 biên bản thỏa thuận hợp tác với các công ty phân phối thực phẩm của Hàn Quốc và Trung Quốc”, bà Hường chia sẻ.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đắk Lắk (Sở Công Thương), hoạt động xúc tiến thương mại được xem là kênh hỗ trợ hiệu quả để các DN giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thêm đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.

Từ đó, tạo động lực để các DN phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, ngành công thương đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động xúc tiến thương mại dưới nhiều hình thức, như: hội chợ, triển lãm, trưng bày sản phẩm, tuần hàng, kết nối giao thương trong nước và nước ngoài… để quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Doanh nghiệp Đắk Lắk và doanh nghiệp Hàn Quốc ký kết thỏa thuận ghi nhớ hợp tác tại Hội nghị xúc tiến thương mại kết nối giao thương nông sản, thực phẩm Tây Nguyên giữa Việt Nam – Hàn Quốc.

Trong năm 2023, ngành công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cho 59 lượt DN tham gia 23 chương trình hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương tại các tỉnh thành trên cả nước.

Đồng thời, tổ chức đoàn giao dịch thương mại gồm 20 DN của hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông tham gia Hội nghị xúc tiến thương mại kết nối giao thương nông sản, thực phẩm Tây Nguyên giữa Việt Nam – Hàn Quốc; hỗ trợ 11 DN tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh tại Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần thứ 20 và Hội chợ sản phẩm lên men quốc tế (IFFE) năm 2023 tại tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc).

Qua đó, đã giúp các DN của tỉnh ký 77 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị phân phối, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ trong cả nước; ký kết 21 cặp biên bản hợp tác, thỏa thuận đầu tư máy móc, trang thiết bị với DN Hàn Quốc, Trung Quốc.

Theo Báo Đắk Lắk