[Đà Nẵng] Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm giao thương của cả vùng

Là điểm đến du lịch hàng đầu trong khu vực, Đà Nẵng đang trở thành “trung tâm giao thương” để các sản phẩm chất lượng của các địa phương đến tận tay người tiêu dùng. Đặc biệt, hàng hóa sản xuất ra có thị trường quốc tế ngay tại chỗ.

Đưa nông sản “bay xa” cùng du lịch

Theo số liệu từ Cục Thống kê Đà Nẵng, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ trong 7 tháng đầu năm trên địa bàn Đà Nẵng ước đạt hơn 4,3 triệu lượt, tăng 110,3% so với cùng kỳ năm 2022, riêng khách quốc tế gần 1,2 triệu lượt, cao gấp 7,7 lần cùng kỳ. Những số liệu tăng trưởng của khách quốc tế trong thời gian gần đây đã đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngoại tệ của đất nước. Đặc biệt, khi các sản phẩm nông sản ở miền Trung và Tây Nguyên quy tụ về Đà Nẵng, tạo ra lợi thế tiếp cận thị trường quốc tế ngay tại chỗ.

Đi vào hoạt động đến nay đã 5 năm, so với nhiều chợ đêm khác trên địa bàn Thành phố, chợ đêm Sơn Trà (phía đông cầu Rồng) là địa chỉ có sức hấp dẫn lớn đối với người dân địa phương cũng như du khách trong và ngoài nước. Thời gian gần đây, có tới 80-85% du khách đến Đà Nẵng đều ghé đến để mua sắm, ăn uống.

Đầu tháng 4 vừa qua, Công ty CP DHTC Đa Năng chính thức đưa vào hoạt động “Điểm bán hàng OCOP và sản phẩm tiêu biểu” tại chợ đêm Sơn Trà với 250 mặt hàng của 38 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành. Các sản phẩm trưng bày, giới thiệu là những sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, lưu niệm, công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu, làng nghề truyền thống…

Ông Đỗ Ngọc Thi Ca, Giám đốc Công ty CP DHTC Đa Năng (đơn vị Quản lý chợ đêm Sơn Trà) cho biết, khi đến với Đà Nẵng, bên cạnh các hoạt động tham quan, vui chơi, tắm biển… du khách rất thích thú khi đến chợ đêm Sơn Trà để mua sắm và thưởng thức ẩm thực.

Nhiều doanh nghiệp thường xuyên mang sản phẩm nông sản đến kết nối giao thương tại Đà Nẵng. Ảnh: T.V.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sắp xếp, tổ chức làm mới lại chợ cho thật hấp dẫn như trang trí không gian với ánh sáng màu sắc bắt mắt, mời các ban nhạc nước ngoài đến biểu diễn hằng tuần tại khu trung tâm. Để chợ đêm tạo được nét riêng cho Đà Nẵng, công ty động viên hộ kinh doanh đưa thêm nhiều mặt hàng có chất lượng như hàng OCOP vào phục vụ khách hàng, vì xu hướng tiêu dùng hiện nay là sử dụng những sản phẩm sạch, an toàn”, ông Ca nói và cho biết thêm, sẽ không ngừng đầu tư chợ đêm Sơn Trà để tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn của Thành phố.

Bà Nguyễn Thị Thuý Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng đánh giá, điểm bán hàng OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại chợ đêm Sơn Trà là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại của thành phố, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối giao thương, kết nối cung cầu… để tìm kiếm, phát triển thị trường và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

“Về việc trưng bày các sản phẩm đã và đang triển khai các điểm trưng bày như tại chợ đêm Sơn Trà, tại các chợ, siêu thị, các điểm du lịch… để giúp người dân, du khách có cơ hội tiếp cận, nhận diện nhiều hơn. Đặc biệt, thông qua các chương trình này sẽ thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản, OCOP, sản phẩm đặc trưng…”, bà Mai thông tin.

Xây đà nẵng trở thành trung tâm giao thương

Là doanh nghiệp thường xuyên mang sản phẩm nông sản đến kết nối giao thương và đã kết nối được với nhiều nhà phân phối tại Đà Nẵng, bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Maca (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, Công ty chuyên phát triển các sản phẩm chủ lực từ cây mắc ca. Trung bình mỗi năm, Công ty sản xuất khoảng 700-1.000 tấn sản phẩm. Hiện các sản phẩm hiện đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

“Đà Nẵng là thành phố du lịch, đông dân. Đặc biệt, thời gian qua Thành phố đã thu hút lượng lớn khách du lịch, trong đó có khách du lịch quốc tế rất lớn, đây là cơ hội để doanh nghiệp kết nối với các du khách này, xúc tiến thương mại ngay tại Đà Nẵng”, bà Huyền nói và mong muốn tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm ở các thành phố lớn như TP. Đà Nẵng, từ đó kết nối được các đầu mối, kênh phân phối để tăng tiêu thụ các sản phẩm địa phương.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa TP. Đà Nẵng cho rằng, cần đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cần minh mạch và cụ thể hơn.

“Đà Nẵng là trung tâm kinh tế của miền Trung với nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, hàng nông sản không dồi dào, vì vậy, nên có công ty đầu mối để tìm kiếm, liên kết sản phẩm của miền Trung. Từ đó, giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của miền Trung tiếp cận, đặc biệt là giúp cho TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm giao thương”, ông Phạm Bắc Bình nói.

Tương tự, ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (chủ Hệ thống siêu thị Go) cho biết, tập đoàn này sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là mở thêm nhiều siêu thị mới để đưa thêm nhiều sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, nhất là nông sản của các doanh nghiệp tại Miền Trung – Tây Nguyên lên kệ hệ thống siêu thị Go ở trong nước và trên thế giới.

Theo Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn TP. Đà Nẵng, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại của khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Để hiện thực hóa mục tiêu này, TP. Đà Nẵng sẽ thu hút và phát triển mới 5 trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại phục vụ du lịch, 10 siêu thị; trung tâm thương mại miễn thuế (duty free), cửa hàng (outlet) đẳng cấp… Đặc biệt, việc xây dựng chợ đầu mối Hòa Phước (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) sẽ trở thành trung tâm tiêu thụ và xuất khẩu nông sản cho Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.

Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư dự án chợ đầu mối Hòa Phước với tổng diện tích đất hơn 30,9ha, tổng mức đầu tư 214,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

“Công tác đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư dự án chợ đầu mối Hòa Phước sẽ được Thành phố triển khai tổ chức trong thời gian tới. Khi dự án hoàn thành có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển thương mại, trung chuyển, phân phối hàng hóa; đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố và các tỉnh lân cận, hỗ trợ tiêu thụ nông sản khu vực miền Trung và hỗ trợ xuất khẩu nông sản, bảo đảm kiểm soát an toàn thực phẩm; góp phần thực hiện bình ổn thị trường trong những thời điểm cần thiết. Ngoài ra, đây còn cơ hội tạo môi trường thu hút đầu tư đối với hạ tầng thương mại nói riêng và hạ tầng phát triển kinh tế – xã hội Thành phố nói chung”, Sở Công Thương Đà Nẵng thông tin.

Theo Báo Nhà Đầu Tư