[Bình Định] Một tỉnh miền Trung quyết tâm chuyển mình thành ‘kinh đô du lịch nghìn tỷ’, đón 12 triệu khách/năm

Đến năm 2025, tỉnh này đặt mục tiêu trở thành “kinh đô du lịch nghìn tỷ đồng” với du lịch là một trụ cột phát triển kinh tế.

Bình Định phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1619/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển – logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa.

Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm cao của cả nước.

Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế.

Tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội; phát triển Khu Đô thị Khoa học mang tầm cỡ quốc gia.

Đến năm 2030, tổng lượt khách du lịch đạt 12 triệu khách/năm, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 9,5 triệu lượt khách nội địa.

Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông – Tây.

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm du lịch đa dạng như du lịch nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí – thể thao biển, du lịch khoa học – du lịch MICE, du lịch di sản văn hóa. Đưa Bình Định trở thành điểm đến du lịch đẳng cấp, hiện đại, xanh, an toàn, thân thiện và giàu bản sắc văn hóa; tăng cường kết nối các địa bàn trọng điểm du lịch trong tỉnh, liên kết vùng và liên vùng. Xây dựng khu Phương Mai – Núi Bà trở thành khu du lịch quốc gia.

Quyết tâm trở thành “kinh đô du lịch nghìn tỷ'”

Là vùng đất có bề dày văn hóa – lịch sử, nơi “đất võ, trời văn”, Bình Định còn được thiên nhiên ban tặng đường bờ biển dài hơn 130km với nhiều vũng vịnh, bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh hấp dẫn như đảo Yến, đầm Thị Nại – bán đảo Phương Mai, đồi Ghềnh Ráng – Tiên Sa, hồ Núi Một, suối khoáng nóng Hội Vân, đầm Trà Ổ…

Với 234 di tích lịch sử, Bình Định vốn có bệ phóng phát triển du lịch văn hóa và tâm linh. Song những năm gần đây, tỉnh khai thác mạnh mẽ lợi thế biển đảo nguyên sơ và đa dạng nhiều sản phẩm nghỉ dưỡng mới, thu hút mạnh mẽ nguồn khách trong nước lẫn quốc tế.

Nhờ nắm bắt xu hướng, doanh thu du lịch đã tăng vượt bậc 55%/năm trong giai đoạn 2016-2020, gấp đôi mức 29%/năm của 2010-2015.

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết trên Cổng TTĐT tỉnh rằng: Cuối năm 2021, Bình Định đón được 266.009 lượt khách, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2020; năm 2022, đón hơn 4,1 triệu lượt khách (trong đó, khách quốc tế đạt 78.989 lượt khách), tăng 185,2% so với năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2023 đón được hơn 2,7 triệu lượt khách, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Đến 2025, Bình Định đặt mục tiêu trở thành “kinh đô du lịch nghìn tỷ đồng”.

Để thực hiện điều này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho báo Bình Định biết, bên cạnh việc đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, tỉnh đặc biệt chú trọng việc phát triển đường hàng không, trong đó đầu tư mở đường băng mới bằng nguồn ngân sách, mở lại và phát triển thêm các đường bay thẳng quốc tế và trong nước.

Tỉnh cũng chú trọng phát triển mối quan hệ “kiềng 3 chân” giữa địa phương với các địa phương khác, giữa địa phương với doanh nghiệp và doanh nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp ngoại tỉnh nhằm đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Bình Định đến với du khách quốc tế.

Thời gian qua, Bình Định cũng chú trọng việc làm mới và đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên phát triển loại hình du lịch MICE nhằm mang lại nguồn khách chuyên gia lớn.

Tỉnh cũng đăng cai nhiều sự kiện thể thao lớn như giải võ cổ truyền, golf, marathon hay phát triển các sản phẩm đặc thù như tour thăm Trung tâm khám phá khoa học Quy Nhơn, tour Detox chăm sóc sức khỏe, City tour… nhằm xây dựng thương hiệu bằng những sản phẩm du lịch khác biệt, qua đó tăng sức hấp dẫn đối với du khách.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng chia sẻ trên Cổng TTĐT tỉnh rằng: Hiện nay, Bình Định có rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú, chất lượng cũng chưa cao. Bởi thế, phải có cách làm mới, ngay cả như trong cách phục vụ du khách cũng cần phải chuyên nghiệp hơn. Cần phải đầu tư cho du lịch như các khu vui chơi lớn, hiện đại; sản phẩm du lịch cần phải chất lượng hơn.

“Kinh tế đêm của chúng ta so với các nơi thì vẫn chưa nỗi bật, như phố ẩm thực Quy Nhơn vẫn chưa được bài bản. Hơn hết, chúng ta có nhiều tháp cổ kính, đẹp, tuy nhiên việc khai thác để thu hút du lịch vẫn còn hạn chế. Việc quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển thị trường, phát triển thương hiệu vẫn còn bất cập”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhìn nhận.

Theo Trang Đời sống & Pháp Luật