Xây dựng đội ngũ doanh nhân tài và đức

Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp là nguồn lực không thể thiếu để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Trong các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII và nhiều Nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã xác định đội ngũ doanh nhân, doanh là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của nhân dân.

Nền tảng Nghị quyết 09

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tạo lập môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.

Đặc biệt, tại Đại hội XIII của Đảng, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế được nhấn mạnh như một nhiệm vụ kinh tế nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Nghị quyết 09-NQ/TW đã đề ra quan điểm là “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế”.

Điều này cho thấy Đảng đã nhận thức và đánh giá đúng vai trò của đội ngũ doanh nhân trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân.

Triển khai các Nghị quyết của Đảng cùng với quá trình đổi mới mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra những cơ hội phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Việt Nam hiện có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế).

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam tăng từ hơn 2 triệu người lên gần 7 triệu người vào năm 2021. Theo công bố của tạp chí Forbes (Mỹ), Việt Nam có 7 doanh nhân lọt vào danh sách “tỷ phú USD” toàn cầu năm 2022. Việt Nam đã có những doanh nghiệp lớn như Thaco, Hoà Phát, FPT, Vinamilk, Vingroup… đang từng bước tạo dựng thương hiệu và định vị giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và quốc tế.

Tầm nhìn mới

Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt như kỳ vọng và mục tiêu đề ra. Con số 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 vẫn là thách thức lớn. Bên cạnh đó, chất lượng doanh nghiệp, doanh nhân và năng lực doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu còn hạn chế, vẫn chưa tận dụng được hết các cơ hội mang lại từ các hiệp định FTA mà Việt Nam đang tham gia…

Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đứng trước nhiều cơ hội.
Những cải cách công nghệ mang tính đột phá được ứng dụng vào quy trình sản xuất hoạt động của doanh nghiệp sẽ tạo ra những bước chuyển biến quan trọng trong sản xuất, tiết kiệm chi phí và cải thiện năng suât, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đây chính là những nền tảng “hạ tầng” quan trọng cho sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng với cơ hội là không ít thách thức, trong đó đại dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng… Thực tế trên đặt ra vấn đề cần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam không chỉ có tài mà cần có cả đạo đức và văn hóa kinh doanh, góp phần đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra.

VCCI sẽ có các chương trình thúc đẩy, động viên, khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp đi theo con đường kinh doanh phát triển bền vững. Thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân, VCCI sẽ định hướng doanh nhân lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm gốc, lấy khoa học công nghệ hiện đại làm năng lực cạnh tranh. Bởi xây dựng đạo đức và văn hoá kinh doanh sẽ tạo niềm tin và sức mạnh thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp