“Bất ngờ lớn” xuất hiện ở các lĩnh vực giao thương bên ngoài của Việt Nam
Trong 7 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực khi xuất siêu tăng mạnh, đạt mức kỷ lục.
Theo số liệu vừa được Tổng Cục Thống kê công bố, rong tháng 7/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 57,07 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 30,07 tỷ USD, tăng 2,1% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 27 tỷ USD, tăng 2,4%.
Tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng năm 2023 đạt 374,36 tỷ USD, giảm 13,8% (tương ứng giảm 60,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 195,42 tỷ USD, giảm 10,3% (tương ứng giảm 22,5 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu đạt 178,94 tỷ USD, giảm 17,4% (tương ứng giảm 37,64 tỷ USD).
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7/2023 thặng dư 3,07 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thặng dư lũy kế trong 7 tháng năm 2023 lên 16,48 tỷ USD, cao hơn hơn 12 lần so với con số thặng dư 1,34 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam xuất siêu cao kỷ lục. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,58 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,81 tỷ USD.
Nguyên nhân nhập khẩu giảm là do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu nên nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu (chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) trong 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 158,26 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu.
Trong đó, các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày… đều giảm ở mức hai con số như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 14,6%; vải các loại giảm 18,6%; thép các loại giảm 30,6%; cao su các loại giảm 39,3%; bông các loại giảm 21%; hóa chất giảm 25,4%; phân bón giảm 24,5%… Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục giảm mạnh khi chỉ đạt 4 tỷ USD, giảm 66,3%.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 10,94 tỷ USD. Những mặt hàng giảm mạnh gồm: Phế liệu sắt thép (giảm 25,9%), đá quý, kim loại quý và sản phẩm (giảm 28%), linh kiện phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ (giảm 28%), hàng điện gia dụng và linh kiện (giảm 19%)… Tuy nhiên, kim ngạch tăng ở một số ít mặt hàng gồm rau quả (tăng 2,6%), ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ (tăng 18,5%).
Tổng chung, số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7/2023 đạt 26.235 tỷ đồng, giảm 14,6% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm số thu ngân sách Nhà nước đạt 211.230 tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán, giảm 19,6% (tương đương giảm 51.423 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Hình minh họa
Trong báo cáo vừa được công bố với chủ đề “Sự ổn định quý giá”, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Ngân hàng HSBC cho biết, đã có “bất ngờ lớn” xuất hiện ở các lĩnh vực giao thương bên ngoài. Theo HSBC, mặc dù xuất khẩu tiếp tục giảm so với cùng kỳ, nhưng mức giảm chỉ ở mức thấp 3,5%.
“Mặc dù điều này một phần là do hiệu ứng cơ sở thuận lợi, nhưng xuất khẩu trong tháng 7 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng”, các chuyên gia của HSBC nhận xét và cho rằng, mặc dù “còn sớm để nói”, nhưng Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tương lai đang cho thấy triển vọng thương mại ngắn hạn của Việt Nam sẽ ổn định hơn.
“Các gã khổng lồ công nghệ trên thế giới, bao gồm Infineon, LG, Foxconn, tiếp tục công bố kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Tất cả những yếu tố này mang lại hy vọng rằng lĩnh vực giao thương của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ một khi chu kỳ thương mại khởi sắc”, Báo cáo nêu quan điểm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, tình hình kinh tế có thể tích cực hơn trong những tháng cuối năm. Để thúc đẩy xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tranh thủ tối đa cơ hội phục hồi từ các thị trường đối tác lớn, truyền thống, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN… Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tăng cường khai thác các thị trường mới, giàu tiềm năng như Bắc Âu, Đông Âu, Tây Á, Nam Á, Australia, châu Phi và Mỹ La -tinh…