[Kon Tum] Phát triển rừng bền vững
Trồng rừng cùng với bảo vệ rừng cũng như nâng tỷ lệ che phủ rừng là một trong các chỉ tiêu để đánh giá phát triển bền vững trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường và chỉ tiêu phát triển bền vững.
Theo Quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 25/4/2023 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh năm 2022, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh (tính đến ngày 31/12/2022) là 780.474,59ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là 609.968,95ha, (gồm 547.603,5ha rừng tự nhiên; 62.365,45ha rừng trồng); 170.505,64ha đất chưa có rừng (bao gồm cả 14.690,99ha đất đã trồng chưa thành rừng).
Tài nguyên rừng của Kon Tum có tính đa dạng sinh học cao, giàu tiềm năng cung cấp gỗ, lâm sản, có giá trị phòng hộ, môi trường to lớn. Trong đó, tổng trữ lượng gỗ đạt 83,316 triệu m3 và 1,15 tỷ cây tre nứa.
Trữ lượng các loại lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng rất cao, có giá trị kinh tế như: Hồng đẳng sâm, sa nhân, nhựa thông, song mây, mã tiền, vàng đắng, ngũ gia bì, hà thủ ô, cu ly, máu chó. Đặc biệt là sâm Ngọc Linh, một loại dược liệu đặc hữu, có giá trị cao cả về y dược và kinh tế.
Bên cạnh đó, rừng Kon Tum rất có giá trị trong chống xói mòn đất và điều tiết nguồn nước, bảo vệ các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi; bảo vệ môi trường sống cho người dân và tạo nên nhiều vùng sinh thái cảnh quan phong phú, đa dạng, có thể phục vụ phát triển du lịch.
Về giá trị đa dạng sinh học, rừng Kon Tum là “nôi” của rất nhiều loài động vật, thực vật có giá trị. Theo thống kê chưa đầy đủ, rừng Kon Tum có khoảng 1.610 loài thực vật thuộc 734 chi của 175 họ thực vật, trong đó có nhiều loài thực vật quý. Về hệ động vật, có trên 100 loài thú, 350 loài chim và nhiều loài động vật khác, trong đó có thể kể đến một số loài quý hiếm như hổ, bò rừng, gấu, chim trĩ, gà sao.
Không thể nghi ngờ, rừng là nguồn tài nguyên sinh thái quan trọng, có giá trị cho sự phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, vai trò của rừng được thể hiện rất rõ ở vùng sâu vùng xa, vùng DTTS, những nơi có đông dân cư sống bên trong hoặc gần các khu rừng là người nghèo hoặc người DTTS.
Điều đáng mừng là trong những năm qua, nhờ công tác trồng rừng và bảo vệ rừng được quan tâm đúng mức mà tốc độ suy giảm chất lượng rừng đã được kiềm chế; độ che phủ rừng tăng nhẹ, hết năm 2022 đạt 63,05%, trong khi cả nước chỉ khoảng 42,02%.
Cộng đồng đã và đang ngày càng được hưởng lợi từ rừng thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính, nhất là nguồn chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, và tạo thêm việc làm. Từ đó tác động mạnh mẽ đến giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào DTTS.
Tăng cường ứng dụng công nghệ vào quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: HL
Tại Hội nghị chuyên đề “Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh” tổ chức ngày 27/9, nhiều ý kiến đánh giá, việc thực thi có hiệu quả công tác trồng rừng và bảo vệ rừng thời gian qua đã đem lại sự chuyển biến tích cực trong nhận thức xã hội. Rừng đã được cải thiện cả về chất và lượng.
Trong các năm 2021, 2022 đã trồng mới 10.173ha rừng và 2.426.157 cây phân tán. Năm 2023, tính đến ngày 22/9, toàn tỉnh đã trồng mới 3.850,94ha rừng; 622.828 cây phân tán.
Bên cạnh đó, đến năm 2023 đã giao được 9.483ha rừng cho cộng đồng; giao 8.027,94ha rừng do UBND xã quản lý về cho các chủ rừng, nâng diện tích rừng có chủ thật sự 552.342,15ha, chiếm 88,4%.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế cần được giải quyết. Trong đó nổi lên tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn còn xảy ra.
Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm 2023, dù có giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng toàn tỉnh vẫn phát hiện 32 vụ vi phạm, với 59,097m3 gỗ quy tròn các loại; 5,248ha bị thiệt hại. Đặc biệt, chưa phát hiện các vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật với quy mô lớn.
Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo; chưa chủ động, kịp thời có các giải pháp phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng trên lâm phần được giao quản lý.
Một bộ phận viên chức, người lao động làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng còn thiếu tinh thần, trách nhiệm, chưa cương quyết trong thực hiện nhiệm vụ, để xảy ra vi phạm gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.
Trồng rừng cùng với bảo vệ rừng cũng như nâng tỉ lệ che phủ rừng là một trong các chỉ tiêu để đánh giá phát triển bền vững trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường và chỉ tiêu phát triển bền vững.
Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên 64% vào năm 2025, bên cạnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cần tập trung thực hiện tốt 2 nhiệm vụ quan trọng là trồng rừng và bảo vệ rừng.
Khuyến khích người dân tham gia trồng rừng. Ảnh: HL
Trong đó, phát huy sức mạnh từ nguồn lực xã hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm và đóng góp của cộng đồng trong bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh. Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu trồng mới 15.000ha rừng tập trung; khoanh nuôi phục hồi ít nhất 7.300ha rừng; nuôi dưỡng làm giàu rừng ít nhất 1.000ha; nâng độ che phủ rừng lên 64% vào năm 2025.
Đảm bảo 100% diện tích rừng có chủ quản lý thực sự theo quy định của Luật Lâm nghiệp; cho thuê đất, thuê rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội với diện tích khoảng 50.000ha.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, cộng đồng dân cư thôn, làng và các cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Thực hiện tốt chính sách khoán quản lý, bảo vệ rừng và trồng rừng gắn với tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và làm giàu từ rừng cho người dân, cộng đồng dân cư; gắn việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái.