Việt Nam thích ứng, linh hoạt với biến đổi khí hậu

Thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị và được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu

Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam đã dành hàng tỷ USD cho phòng, chống và phục hồi trước những thiên tai do BĐKH. Việt Nam ban hành nhiều chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện.

Một số mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chính của Chiến lược quốc gia về BĐKH thời kỳ 2011-2020 đã đạt được kết quả quan trọng. Lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường. Cùng với đó, tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%.

Tuy nhiên, trên cơ sở các chỉ số đánh giá về tình hình BĐKH ở Việt Nam, dự báo trong những năm tới (từ nay đến năm 2030), BĐKH ở Việt Nam sẽ diễn ra ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường và có những tác động mạnh hơn so với trước đây. Xu hướng nhiệt độ trung bình ngày càng tăng, nước biển ngày càng dâng cao và hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn và với cường độ cũng mạnh hơn.

BĐKH ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Mức độ ảnh hưởng, tác động của BĐKH phụ thuộc vào các kịch bản BĐKH. Những ngành bị tổn thương lớn nhất là nông nghiệp, thủy sản, du lịch…

Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân ở khu vực miền núi và ven biển, nhất là người nghèo, phụ nữ và trẻ em. Biến đổi khí hậu làm thu hẹp diện tích đất canh tác, giảm sản lượng và năng suất cây trồng, dự báo gây tổn thất khoảng 0,4% GDP vào năm 2030. Biến đổi khí hậu cũng làm cho các nguồn tài nguyên ngày càng suy giảm.

“Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính BĐKH sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

 Chủ động thích ứng

Trong những thập niên gần đây, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề BĐKH và đã có nhiều giải pháp để ứng phó với BĐKH. Các cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam đã được đưa ra.

Việt Nam xác định, ứng phó với BĐKH, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050….

 Không chỉ đưa ra các cam kết, Việt Nam đã và đang có các hành động thiết thực và hiệu quả, góp phần vào cuộc chiến chống BĐKH toàn cầu. Việt Nam đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với BĐKH như: Chiến lược quốc gia về BĐKH; Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH; Đề án quản lý phát thải khí nhà kính; Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng luật hóa các vấn đề ứng phó với BĐKH như: Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bảo vệ Môi trường. Việt Nam cũng phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH dựa trên hệ sinh thái, dựa vào cộng đồng và dựa vào tự nhiên.

Với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tham gia ký Công ước khí hậu ngày 11/6/1992 và Nghị định thư Kyoto ngày 3/12/1998. Việt Nam cũng đã ký Thỏa thuận Paris về BĐKH vào ngày 22/4/2016.

Để định hướng cho thời kỳ mới, Đại hội XIII của Đảng nhận định BĐKH là vấn đề toàn cầu và là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt; BĐKH sẽ gay gắt, phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển của đất nước. Từ đó xác định “Chủ động thích ứng với BĐKH, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh” là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Để thích ứng với BĐKH, các nhiệm vụ được đề cập đến là nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, giám sát BĐKH; nâng cao năng lực chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ tác động, thích ứng với BĐKH; cơ chế huy động, ưu tiên các nguồn lực thích ứng với BĐKH…

Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014 và đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30%. Đây là nền tảng để Việt Nam có thể tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho mục tiêu chung của thế giới.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chiến lược mong muốn đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Báo Đắk Nông