Tương tác giữa Hải quan – doanh nghiệp giúp các bên cùng hoàn thiện

Đây là chia sẻ của Phó chủ tịch VCCI – Hoàng Quang Phòng tại Diễn đàn Hải quan – Doanh nghiệp năm 2023 với chủ đề “Hải quan Việt Nam: Tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá”…

Theo đó, nhằm ghi nhận sự tham gia, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình cải cách, hiện đại hóa hải quan; xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật về hải quan của doanh nghiệp. Ngày 06/9, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Tạp chí Hải quan đã tổ chức Diễn đàn thường niên Hải quan – Doanh nghiệp năm 2023 với chủ đề “Hải quan Việt Nam: Tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá”.

Diễn đàn thường niên Hải quan – Doanh nghiệp năm 2023 với chủ đề “Hải quan Việt Nam: Tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá”

Tại Diễn đàn, thay mặt cơ quan chỉ đạo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan – Hoàng Việt Cường chia sẻ, cách đây tròn 78 năm, ngày 10/9/1945, chỉ sau 8 ngày thành lập nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 27/SL thành lập Sở Thuế quan và Thuế gián thu, tiền thân của Hải quan Việt Nam ngày nay.

78 năm qua, Hải quan Việt Nam đã có sự lớn mạnh, trưởng thành cùng sự nghiệp cách mạng của đất nước. Các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào kết quả đáng tự hào của ngành Tài chính, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan – Hoàng Việt Cường chia sẻ tại Diễn đàn

Theo ông Hoàng Việt Cường, những năm gầy đây, tình hình thế giới có nhiều biến động từ hậu quả của đại dịch COVID-19, sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn tiếp diễn và xung đột vũ trang Nga-Ukraine đã tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta. Từ đầu năm 2023 đến nay, nền kinh tế nước ta phải đối mặt với những khó khăn rất lớn. Trước tình hình đó, ngành Hải quan xác định công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, qua đó tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, ngành Hải quan tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn thường niên Hải quan – Doanh nghiệp năm 2023 với chủ đề “Hải quan Việt Nam: Tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá”

“Ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ ngày 31/1/2023 về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023. Theo đó, chúng tôi đã giao 10 nhóm chỉ tiêu cải cách đi kèm là các giải pháp để thực hiện. Trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng Đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng Vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022…”, ông Hoàng Việt Cường chia sẻ.

Cũng theo ông Hoàng Việt Cường, với những lợi ích thiết thực, Chương trình Hải quan – Doanh nghiệp đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp đối với việc tuân thủ pháp luật. Trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ xem xét mở rộng đối tượng để thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia và hưởng thụ chính sách.

“Chúng tôi đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Và sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu”, lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.

“Để sự đồng hành Hải quan – Doanh nghiệp ngày càng hiệu quả ngoài nỗ lực của ngành Hải quan, không thể thiếu sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, các Hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt là sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, ngành Hải quan mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp, hưởng ứng cùng cơ quan Hải quan phát triển phong phú hơn các hoạt động đối tác Hải quan – Doanh nghiệp. Sự đồng hành, năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp sẽ là nhân tố quan trọng để tạo nên sự thành công, phát triển”, ông Hoàng Việt Cường bày tỏ.

Phó chủ tịch VCCI – Hoàng Quang Phòng thông tin tại Diễn đàn

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành Hải quan trong công tác quản lý Nhà nước, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, thông tin tại Diễn đàn, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Hoàng Quang Phòng chia sẻ, chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành Hải quan trong công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt, trong những năm qua ngành nghề Hải quan là một trong những ngành tiên phong áp dụng bộ công cụ quản lý hiện đại vào công tác quản lý của mình.

Theo Phó chủ tịch Hoàng Quang Phòng, sự tương tác giữa Hải quan và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu trong công tác gác cửa của dòng chảy thương mại, cùng với các bộ ngành cơ quan khác để đảm bảo sự thông quan tốt hơn cho hàng hóa của Việt Nam ra thế giới và hàng hóa phục vụ sản xuất được nhập khẩu về Việt Nam.

“Sự tương tác giữa Hải quan – doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp hiểu đúng hiểu trúng và thấy được những điểm nghẽn của mình đang ở đâu để bổ sung, chỉnh sửa khắc phục, nếu không có sự tương tác đó thì doanh nghiệp không thể biết sai ở đâu và không biết sửa như thế nào… trong khi đó, ngành Hải quan đã coi doanh nghiệp là một đối tác cùng hợp tác để hoàn thành nhiệm vụ. Sự tương tác này không phải là một đơn vị bị kiểm tra giám sát hải quan, mà là sự hợp tác với nhau để cơ quan bị quản lý và cơ quan quản lý cùng hoàn thành nhiệm vụ đối với việc thông quan hàng hóa được tốt hơn. Đây là yếu tố tích cực trong nhận thức cũng như tạo được tính đồng thuận cao, tạo ra sự tự nguyện trong việc tuân thủ các pháp luật liên quan đến Hải quan nói riêng và các pháp luật khác nói chung trong một văn hóa tương tác hiện đại, cởi mở cùng phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ”, Phó chủ tịch Hoàng Quang Phòng bày tỏ.

Bên cạnh các nội dung đã nêu, Diễn đàn cũng lắng nghe, chia sẻ từ các đơn vị của cơ quan Hải quan, các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các chuyên gia thông qua 2 phiên thảo luận về vấn đề hoàn thiện thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá; xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ các yêu cầu quản lý Nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, hướng tới Hải quan số, Hải quan thông minh… và đánh giá, hoàn thiện chính sách về doanh nghiệp ưu tiên, nâng cao trách nhiệm và quyền lợi doanh nghiệp ưu tiên, được công nhận lẫn nhau trong nước và quốc tế… đánh giá về “Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan”.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp