VCCI muốn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, Bộ Tài chính nói không
Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
Đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
Ngày 17.4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản góp ý với Bộ Tài chính về hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Với mặt hàng xăng, VCCI cho rằng, mặt hàng này hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
Trao đổi với Lao Động về nội dung này, ông Lê Song Song Ngọc – CEO Công ty cổ phần truyền thông E-Solution Media, đồng sáng lập Cộng đồng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết, xăng dầu chiếm khoảng 40% trong cơ cấu chi phí dịch vụ vận tải đường bộ, khi xăng dầu tăng cao, chi phí vận tải cũng tăng “té nước theo mưa”, nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh giá bán.
Nhưng việc điều chỉnh giá bán, theo ông Ngọc “đồng nghĩa bài toán cung cầu gặp nhiều vấn đề vì có nhiều hợp đồng đã ký kết từ trước khi giá xăng tăng cao”.
“Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng, rất nhiều doanh nghiệp SMEs gặp khó khăn về dòng tiền để đảm bảo cấu trúc vận hành và nhân sự. Do đó, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng tôi phải cắt giảm chi phí, tối ưu chi phí vận hành và nhân sự.
Đưa ra các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, mua hàng với số lượng lớn. Đồng thời trao đổi, thảo luận lại với các đối tác để ký kết lại các hợp đồng khi giá xăng dầu đang tăng rất cao”, ông Ngọc cho hay.
Ông Lê Song Song Ngọc cho rằng, Nhà nước, ngoài hỗ trợ việc giảm các loại chi phí cho doanh nghiệp vận tải như phí kiểm định, phí lăn bánh… thì cần điều chỉnh các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng sử dụng nguồn lực về vận tải.
“Việc VCCI đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt ở thời điểm này có ý nghĩa rất, giúp người dân, doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí, có thêm nguồn lực để đầu tư sản xuất, kinh doanh”, ông Ngọc nói.
Bộ Tài chính không đồng tình
Việc đề xuất giảm thêm thuế, ông Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho rằng có ý nghĩa rất lớn để ngăn đà tăng của lạm phát. Bởi, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt lạm phát.
“Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu là rất đúng, bởi xăng không còn là mặt hàng đặc biệt nữa, mà là mặt hàng rất cần thiết”, ông Ngân cho hay.
Tuy nhiên, hồi tháng 2.2023, trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Bộ Tài chính – một trong hai cơ quan quản lý, điều hành giá xăng dầu nêu quan điểm: Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế được thu vào các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm, điều tiết thu nhập.
Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần sử dụng tiết kiệm, nên hầu hết quốc gia đều thu thuế này.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là phù hợp thông lệ quốc tế và mục tiêu chống biến đổi khí hậu, cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện cũng không quy định giảm, miễn thuế với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế này. Và thẩm quyền quyết định điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc quyền của Quốc hội. Tức là, muốn miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.