Văn hóa kinh doanh thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy trách nhiệm với cộng đồng, tạo dựng lòng tin, sự ủng hộ của khách hàng.

PGS,TS. Nguyễn Thị Chính, Giám đốc Công ty TNHH Nấm Linh Chi chia sẻ tại Diễn đàn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh”, chiều 14/5.

Diễn đàn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh”.

Theo PGS,TS. Nguyễn Thị Chính, Bác Hồ là tấm gương tỏa sáng cho mọi thế hệ, chúng ta học ở Người sự lãnh đạo tài tình, thông minh về chiến lược phát triển của đất nước, về tầm nhìn, đạo đức, tác phong, và tấm lòng nhân ái, bao dung vì dân vì nước.…

“Nhưng chúng ta xây dựng và vận dụng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh theo tư tưởng của Bác như thế nào cho đúng và đưa doanh nghiệp phát triển?”, PGS,TS. Nguyễn Thị Chính đặt câu hỏi.

PGS,TS. Nguyễn Thị Chính đánh giá, các doanh nghiệp hiện nay đã và đang có nhiều cơ hội để phát triển và hội nhập quốc tế, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều thách thức khó khăn đòi hỏi các doanh nghiệp, doanh nhân phải vượt qua, đưa doanh nghiệp phát triển mà vẫn giữ được nền tảng văn hóa của dân tộc, hòa nhập mà không hòa tan.

“Trong bối cảnh đó, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy trách nhiệm với cộng đồng, tạo dựng lòng tin, sự ủng hộ của khách hàng”, PGS,TS. Nguyễn Thị Chính nhấn mạnh.

Bác Hồ đã nhấn mạnh, doanh nhân phải nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện tác phong làm việc khoa học. Văn hóa kinh doanh là xây dựng môi trường làm việc có văn hóa lành mạnh, phát huy và thực hành dân chủ.

PGS,TS. Nguyễn Thị Chính, Giám đốc Công ty TNHH Nấm Linh Chi.

Là tôn trọng sức lao động và quan tâm tới đời sống của người lao động, là văn hóa hành xử trong nội bộ doanh nghiệp và với đối tác, khách hàng, là trung thực không có hàng nhái hàng kém chất lượng, là sản phẩm hướng tới lợi ích và sức khỏe của cộng đồng. Đó là tiền đề cốt lõi tạo nên một doanh nghiệp hùng mạnh và bền vững.

“Văn hóa kinh doanh hôm nay theo Tư tưởng của Bác là chú trọng xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa và đạo đức của người lãnh đạo. Trong một doanh nghiệp, lãnh đạo mà có đạo đức thì mới là tấm gương và lãnh đạo được doanh nghiệp phát triển”, PGS,TS. Nguyễn Thị Chính bày tỏ.

Còn theo PGS,TS. Bùi Thị An ,Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Hà Nội đầu tiên phải hiểu quan điểm của Bác về văn hóa là như thế nào? Theo Người: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với nhu cầu đời sống và đòi hỏi sinh tồn”.

PGS,TS. Bùi Thị An ,Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Hà Nội.

Trong thư (ngày 13/10/1945) gửi cho giới Công Thương Bác nói: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công – thương phải hoạt dộng để xây dựng nền kinh tế tài chính vững vàng thịnh vượng”.

Văn hóa là thượng tầng kiến trúc, bị chi phối bởi hạ tầng cơ sở .Văn hóa kinh doanh thời bao cấp, kinh doanh theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên văn hóa kinh doanh của ta có những nét đặc biệt, không giống văn hóa kinh doanh của các nước có cơ chế thị trường thuần túy.

“Điều này chi phối rất lớn đến quan điểm, phương thức kinh doanh của từng doanh nhân nói riêng, xây dựng đội ngũ doanmh nhân nói chung”, PGS,TS. Bùi Thị An nói.

Trên tinh thần đó, những năm qua trong quá trình xây dựng đội ngũ trí thức là doanh nhân, Hội nữ Trí thức Hà Nội tập trung vào một số điểm sau.

Thứ nhất, nhận thức đúng đắn về “văn hóa kinh doanh” trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh doanh trước hết phải lấy hiệu quả và lợi nhuận làm đầu nhưng không được coi đó là duy nhất, bỏ qua các yếu tố khác như môi trường làm việc của cán bộ và người lao động, lợi ích người tiêu dùng (yếu tố xã hội) nhất là những người yếu thế. Kiên quyết không tham gia vào các lĩnh vực ngành nghề, các dự án kinh doanh phi văn hóa…

Thứ hai, tổ chức nghiên cứu khoa học với mục tiêu phục vụ thực tiễn luôn nâng cao chất lượng của kết quả và sản phẩm đề tài, hợp tác hỗ trợ nhau để cùng tiến.

Thứ ba, tuôn coi trọng chữ tín trong kinh doanh, không làm ăn theo kiểu chụp giật, không lợi dụng uy tín khoa học hoặc uy tín cá nhân để quảng bá các sản phẩm kém chất lượng, nhất là các sản phẩm hại đến sức khỏe của nhân dân.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp