Thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Thời điểm để nhìn lại năng lực nội tại
Đây là chia sẻ của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Phạm Tấn Công tại Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam” sáng 18/4.

Sáng 18/4, VCCI tổ chức Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và Ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam”
Chủ tịch Phạm Tấn Công nhấn mạnh, ngày 02/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump đã ký ban hành Sắc lệnh Hành pháp áp dụng mức thuế đối ứng mới lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia bị áp mức thuế cao nhất – lên tới 46%. Đây là một bước ngoặt lớn trong chính sách thương mại quốc tế của Hoa Kỳ, thể hiện xu hướng bảo hộ, đơn phương và khó lường trong điều hành chính sách thuế quan.
Mặc dù phía Hoa Kỳ đã tuyên bố tạm hoãn áp dụng thuế riêng trong vòng 90 ngày để mở đường cho đàm phán, nhưng nguy cơ về thuế đối ứng vẫn đang hiện hữu và rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam – đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ – thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất trong kim ngạch xuất khẩu của chúng ta.

Chủ tịch VCCI – Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc Hội thảo
“Theo rà soát của chúng tôi, hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 là sang thị trường Hoa Kỳ, với các mặt hàng chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị… trong đó, nhiều ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50%, như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử… điều này cho thấy, nếu mức thuế đối ứng bị áp dụng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị tổn thương nặng nề – mất thị phần, giảm sức cạnh tranh, gián đoạn sản xuất, mất việc làm, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô…”, Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.
Đồng thời, Chủ tịch VCCI cho rằng, trong nguy luôn có cơ. Đây cũng là thời điểm để chúng ta nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ tại Hội thảo
Cũng theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, thời gian qua VCCI đã chủ động kiến nghị một số giải pháp lớn như:
Thứ nhất, đối thoại chiến lược với Hoa Kỳ ở cấp cao, nhằm đạt được các thỏa thuận song phương, giảm xung đột, minh bạch thông tin, thúc đẩy nhập khẩu từ Hoa Kỳ (LNG, nông sản, công nghệ cao…), cân bằng thương mại và tạo niềm tin chính trị.
Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chuỗi cung ứng: Tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường tại EU, Canada, Australia… đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Tây Nam Trung Quốc, Trung Đông, Mỹ Latinh, và phát triển thị trường nội địa.
Thứ ba, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và công nghiệp hỗ trợ: Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, phát triển công nghiệp nền tảng như hóa chất, vật liệu mới, logistics, công nghệ cao… nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu và rủi ro thương mại.
Thứ tư, tham gia chuỗi cung ứng chiến lược của Hoa Kỳ: Đầu tư vào các trung tâm kỹ thuật bán dẫn, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo… để trở thành mắt xích đáng tin cậy thay thế Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu – đây là cơ hội vàng mà Việt Nam cần chủ động nắm bắt.
Thứ năm, nâng cao năng lực thể chế và hạ tầng: Cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng logistics – để doanh nghiệp có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững.
“Hội thảo hôm nay là dịp quan trọng để chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ và cùng tìm ra các giải pháp hữu hiệu – không chỉ để ứng phó với sắc thuế của Hoa Kỳ hiện nay, mà còn để nâng cao năng lực thích ứng, sức chống chịu và vươn lên mạnh mẽ trong chuỗi thương mại toàn cầu.
Các ý kiến, đề xuất tại Hội thảo sẽ được VCCI tổng hợp, báo cáo kịp thời lên Đảng, Chính phủ và các cơ quan chức năng, đồng thời đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này”, Chủ tịch Phạm Tấn Công bày tỏ.



Các chuyên gia tham gia chia sẻ, khuyến nghị tại Hội thảo
Đồng quan điểm với VCCI, tham gia thảo luận tại Hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, dù chính sách thuế đối ứng đặt ra không ít thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài.
Theo ông Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, các doanh nghiệp nên tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và tín dụng để tối ưu chi phí, đồng thời nắm bắt xu hướng chuyển đổi kép – xanh hóa và số hóa – nhằm xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với các yêu cầu ESG.
“Việc đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm – dịch vụ và nguồn vốn để thích ứng với chuyển đổi xanh và mô hình kinh doanh tuần hoàn. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện, từ công nghệ, nhân lực đến quản trị rủi ro và minh bạch xuất xứ hàng hóa. Cuối cùng, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới và việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Malaysia, New Zealand và Singapore”, vị chuyên gia này khuyến nghị.
Đồng thời đề xuất, Việt Nam cần kịp thời xử lý kịp thời các vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm, có lộ trình đàm phán hợp lý nhằm đạt mức thuế suất thấp hơn. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tổ công tác trong việc thực thi các cam kết đã được thống nhất, cũng như vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, cần kích cầu đầu tư – tiêu dùng trong nước để giữ vững mặt trận xuất khẩu và từng bước cơ cấu lại nền kinh tế, gia tăng nội lực, tự chủ, tự cường.
Việc ứng phó hiệu quả với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt mà còn mở ra cơ hội khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng đã cùng trao đổi để đánh giá tác động đa chiều với các ngành hàng, doanh nghiệp, thảo luận phương hướng ứng phó của các doanh nghiệp đối với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ.