[Đắk Lắk] “Gập ghềnh” con đường phát triển du lịch bền vững (Kỳ 2)
Ở bất kỳ đâu, muốn phát triển du lịch, nhất là du lịch bền vững thì phải dựa vào vốn tài nguyên (lịch sử, văn hóa, nhân văn) của các cộng đồng người tại chỗ và cảnh quan thiên nhiên vốn có ở mỗi vùng đất.
Kỳ 2: Bền vững dựa trên vốn tài nguyên
Điều quan trọng nhất là trong quá trình khai thác tài nguyên để làm du lịch phải gắn liền với việc bảo tồn, đầu tư tôn tạo, không rơi vào tình trạng đánh đổi hoặc “ăn xổi ở thì” đã từng xảy ra tại một số địa phương trong thời gian qua.
Xác định bước đi
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đắk Lắk đã triển khai thực hiện Chương trình số 15- CTr/TU ngày 13/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI), trong đó xác định rõ: Phấn đấu đến năm 2030, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển với tỷ trọng, tốc độ và chất lượng tăng trưởng cao; có tính chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ và hiện đại. Đặc biệt tập trung và chú trọng phát triển loại hình du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng gắn với hoạt động làng nghề nông nghiệp – nông thôn. Xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch này theo hướng chất lượng cao, đa dạng và bền vững; có thương hiệu và có sức cạnh tranh cao trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng như cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Đắk Lắk H’Yim Kđoh cho rằng: Một khi đã xác định bước đi như thế, thì nhất thiết phải gìn giữ và bảo tồn bằng mọi giá vốn tài nguyên quý báu ấy. Bởi đó là những trụ cột quan trọng để chúng ta quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch trên, đặc biệt là du lịch văn hóa, sinh thái và cộng đồng là để giải quyết việc làm cho người dân. Trong đó chú trọng đầu tư, phát triển dịch vụ nông nghiệp, thương mại gắn kết với du lịch trong các buôn làng; khôi phục làng nghề thủ công truyền thống gắn với việc hình thành các tour/điểm du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng ở những nơi có điều kiện. Xúc tiến liên kết, hợp tác giữa các vùng du lịch trọng điểm trong và ngoài tỉnh để thiết lập không gian kinh tế du lịch đồng bộ, thống nhất và đa dạng về sản phẩm để đến năm 2025, “ngành công nghiệp không khói” này có vị trí xứng đáng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Rõ ràng từng bước đi của ngành du lịch Đắk Lắk đã được xác định phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Vấn đề còn lại là chính quyền, người dân và cộng đồng làm du lịch ở đây cần có đồng thuận trong nhận thức, hành động để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra trong tương lai.
Gỡ bỏ những “lực cản”
Nói như Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà, vấn đề được cho là đáng quan ngại nhất đó là tài nguyên du lịch ở đây đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc ưu tiên phát triển các ngành kinh tế, xã hội khác. Từ đó trực tiếp làm thay đổi cảnh quan, môi trường theo hướng tiêu cực; kéo theo vốn di tích lịch sử, văn hóa truyền thống không ngừng bị mất mát, xuống cấp và biến dạng… Tất cả những hệ lụy ấy được xem là “lực cản” lớn nhất buộc chính quyền địa phương cùng cộng đồng làm du lịch ở đây phải đối mặt và tìm cách giải quyết.
Vấn đề quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên nước trên các hệ thống sông, suối, hồ, thác (nhất là đối với những danh thắng được xếp hạng) đã được tăng cường kiểm soát và điều phối lợi ích giữa các ngành kinh tế, trong đó ưu tiên cho ngành du lịch theo hướng hài hòa, bền vững hơn chứ không còn tư duy đánh đổi” bằng mọi giá như trước đây”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Đắk Lắk H’Yim Kđoh
|
Vậy ngành du lịch Đắk Lắk phải giải “bài toán” này như thế nào trong việc chia sẻ lợi ích kinh tế, xã hội với một số ngành nghề liên quan? Trước những khó khăn hiển hiện như: tác động bất lợi từ các ngành nghề khác; kêu gọi đầu tư hạn chế và khó khăn; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chất lượng chưa cao; thủ tục đầu tư và chính sách ưu đãi về đất đai, thuế chưa hấp dẫn và đặc biệt là cảnh quan, môi trường thiên nhiên ngày càng bị xâm hại, phá vỡ nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn lên đời sống, bản sắc văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc tại chỗ…, thời gian qua chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đang từng bước gỡ bỏ, thông qua nhiều quyết sách phù hợp, kịp thời.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Đắk Lắk H’Yim Kđoh: Ngoài việc quy hoạch, đầu tư tôn tạo không gian (lịch sử, văn hóa truyền thống) cho một số buôn làng trên địa bàn tỉnh để xây dựng nên những điểm đến du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng giàu bản sắc như các buôn ở TP. Buôn Ma Thuột: buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), buôn Đắk Tour (xã Hòa Khánh), buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu), buôn Tơng Jú (xã Ea Kao)…, hay buôn Tring B (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ), buôn Ya (xã Hòa Sơn, huyện Krông Năng), buôn Yang Lành (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) và buôn Liêng (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk)… thì Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành chủ trương, chính sách kịp thời và nhất quán về công tác rà soát, đánh giá việc chuyển đổi mục đích sử dụng tài nguyên (đất, rừng) theo hướng ưu tiên cho mục tiêu phát triển du lịch hiệu quả và bền vững; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực thi nhiều giải pháp về bảo tồn, gìn giữ vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc tại chỗ. Từ đó dần thiết kế, xây dựng nên các tour/tuyến du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng với nhiều sản phẩm du lịch đặc thù và có lợi thế. Đến nay, loại hình du lịch này đã thật sự thu hút, hấp dẫn du khách khi đến Đắk Lắk và cùng với sản phẩm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, hội thao, tổ chức sự kiện và trình diễn văn hóa, nghệ thuật) đẩy mạnh sự tăng trưởng của “ngành công nghiệp không khói” ở Đắk Lắk.