[Quảng Ngãi] Chế biến, xuất khẩu thủy sản: Những tín hiệu vui

Thời tiết thuận lợi, nguồn nguyên liệu dồi dào, đơn hàng xuất khẩu ổn định là những tín hiệu vui cho ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh trong những ngày đầu xuân mới.

Rộn ràng “mở hàng”

Những ngày cuối tháng 2, không khí lao động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú (Công ty Hải Phú) ở KCN Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) đã nhộn nhịp trở lại. Tại xưởng sơ chế và chế biến, hơn 100 công nhân ai vào việc nấy, nam thì tất bật vận chuyển nguyên liệu, nữ thì nhanh tay sơ chế và phi lê cá. Tại khu vực cấp đông và bảo quản, một nhóm công nhân cẩn trọng kiểm tra từng “viên” cá, trước khi chuyển sang bộ phận đóng gói sản phẩm.

Phó Giám đốc Công ty Hải Phú Nguyễn Đức Quảng cho biết, đầu tháng 3, chúng tôi trả đơn hàng gần 50 tấn sản phẩm thủy sản cho đối tác tại thị trường châu Âu (EU). Vậy nên từ mùng 6 tháng Giêng (15/2), công ty đã hoạt động trở lại với không khí sôi nổi, khẩn trương, đảm bảo lực lượng vận hành sản xuất, để giải quyết kịp thời những đơn hàng xuất khẩu ngay từ đầu năm. Năm 2024, đơn hàng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của công ty vẫn ổn định và tăng nhẹ so với năm 2023 nên hiện giờ, chúng tôi cũng tập trung thu mua và bảo quản nguyên liệu, để chủ động sản xuất.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú, ở KCN Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) nhộn nhịp ngay những ngày đầu năm 2024.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú, ở KCN Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) nhộn nhịp ngay những ngày đầu năm 2024.

Cùng với Công ty Hải Phú, một số doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản tại KCN Quảng Phú như Công ty TNHH chế biến thủy sản Tấn Thành, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ chế biến thủy sản Hưng Phong, Công ty TNHH Ten Trai… cũng ra quân sản xuất đầu năm với quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2023.

Phó Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Tấn Thành Đoàn Thái Nguyên cho biết, đơn hàng đầu năm chưa nhiều nên công ty chúng tôi tập trung sơ chế và chế biến các mặt hàng chủ yếu là cá phi lê, tôm đông lạnh và nhận gia công một số mặt hàng như cá cơm, cá thu, cá hố… cho khách hàng trong và ngoài nước. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm thị trường, gắn với đa dạng hóa và nâng cao giá trị các sản phẩm, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 28 DN (tập trung tại KCN Quảng Phú) hoạt động chế biến các sản phẩm thủy sản, với tổng công suất trên 30 nghìn tấn mỗi năm; trong đó có 14 DN xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang thị trường EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngoài ra, còn có một số DN xuất khẩu hải sản tươi sống, ướp đá theo đường tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc hoặc xuất khẩu ủy thác cho các nhà máy trong và ngoài tỉnh.

Góp sức gỡ “thẻ vàng”

Là DN duy nhất của tỉnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang thị trường EU theo đường chính ngạch, nên cùng với sản xuất, Công ty Hải Phú đang nỗ lực thực hiện tốt nhất các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

“Công ty Hải Phú tuyệt đối không gian lận trong quá trình thực hiện việc xuất, nhập nguồn nguyên liệu cũng như sản phẩm. Đối với nguồn nguyên liệu, chúng tôi cam kết không nhập khẩu, mà chỉ thu mua trong nước, phần lớn là tại tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương lân cận, để sơ chế và chế biến sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Không những thế, 100% nguyên liệu phục vụ xuất khẩu được cơ quan chức năng kiểm tra và cấp giấy chứng nhận, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, để đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm”, Phó Giám đốc Công ty Hải Phú Nguyễn Đức Quảng khẳng định.

Sản lượng cá cơm dồi dào, các cơ sở chế biến nước mắm tập trung thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Sản lượng cá cơm dồi dào, các cơ sở chế biến nước mắm tập trung thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, Công ty Hải Phú hợp đồng với các chủ tàu, thuyền trưởng khai thác hải sản không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU, để thu mua các loại cá dũa, cá mó, cá hồng, cá gáy… Qua đó, chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hơn 1.000 tấn thủy sản mỗi năm, doanh thu đạt từ 3 – 3,5 triệu USD. Phần lớn sản phẩm của công ty xuất khẩu sang thị trường EU và Nam Mỹ. Nhờ đó ổn định việc làm thường xuyên cho hơn 100 công nhân và tạo việc làm thời vụ cho hàng nghìn lao động địa phương.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, những năm gần đây, lĩnh vực chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh có sự gia tăng nhanh cả về số lượng DN lẫn chủng loại sản phẩm. Trong đó có nhiều sản phẩm thủy sản chế biến sâu đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhưng để có thể “ra biển lớn”, ngành chế biến thủy sản của tỉnh cần DN lớn dẫn dắt, hình thành nên chuỗi cung ứng, sản xuất thủy sản quy mô lớn để tương xứng với tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, đặc biệt là đầu tư bảo quản, chế biến sâu.

Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đầu tư hạ tầng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời cung cấp thông tin thị trường gắn với tuyên truyền, hướng dẫn DN thực hiện các quy định về chống khai thác IUU.

CƠ SỞ CHẾ BIẾN NƯỚC MẮM NHỘN NHỊP

Sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nguồn cá cơm dồi dào, cộng với thời tiết thuận lợi nên nhiều cơ sở chế biến nước mắm trên địa bàn tỉnh tất bật thu mua nguyên liệu để phục vụ muối mắm. Chủ cơ sở sản xuất nước mắm Phương Loan, ở thôn Kỳ Tân (Đức Lợi) cho biết, nước mắm truyền thống được tiêu thụ mạnh trong dịp tết, nên hiện giờ, cơ sở chúng tôi đã nhập cá cơm, sẵn sàng cho mẻ mắm mới. Cùng với chế biến nước mắm, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến các mặt hàng thủy sản truyền thống như hải sản đông lạnh, cá khô, cá hấp, chả cá… cũng khẩn trương thu mua nguyên liệu, để vào mùa sản xuất với kỳ vọng một năm “mua may, bán đắt”. Chính quyền các địa phương và ngành chuyên môn đồng hành, hướng dẫn chủ cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các khâu chế biến, nhằm nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm.

Cùng với đó, DN cần đầu tư đổi mới quy trình công nghệ bảo quản, chế biến theo hướng hiện đại cũng như hình thành chuỗi sản xuất khép kín, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế trong sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Theo Báo Quảng Ngãi