Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Chỉ có niềm tin mới thúc đẩy doanh nghiệp tiến lên

Là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp tham gia phiên thảo luận về Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đã nhắc đến tình trạng không dám làm, không dám quyết.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận rất nhiều kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, có thể nhắc tới đề nghị gỡ nút thắt để doanh nghiệp phát triển; gỡ nút thắt thị trường tín dụng, trái phiếu, bất động sản… cũng như khai thác, tiệp cận thị trường quốc tế…, ông Phạm Tấn Công nói. Rất nhiều vấn đề đang nổi lên khi kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều xoay chuyển, biến động.

Ông Phạm Tấn Công trao đổi tại Phiên thảo luận về Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Tuy nhiên, điều đại diện cộng đồng doanh nghiệp muốn chia sẻ tại phiên thảo luận là môi trường kinh doanh, theo hướng thúc đẩy doanh nghiệp bản địa.

Theo khảo sát của VCCI, nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư mới, hạn chế mở rộng, trong khi cán bộ không chức không dám làm, không dám quyết. Sự an tâm, an toàn đâu đó vẫn chưa có trong cả doanh nghiệp và cơ quan hoạch định, thực thi chính sách.

“Chúng tôi kiến nghị cần xây dựng môi trường kinh doanh an toàn để doanh nhân, doanh nghiệp an tâm, phát triển, công hiến”, Chủ tịch VCCI kiến nghị.

Trước đó, đại diện VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế đã có bài phát biểu trực diện gọi tên khó khăn của doanh nghiệp.

Sáu vấn đề được VCCI gửi tới Diễn đàn. Trong các nhóm này, ông Tuấn đặc biệt nhấn mạnh đến chất lượng quy định pháp luật.

Thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành Thông tư, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật. Các doanh nghiệp phản ánh tình trạng chất lượng các Quy chuẩn kỹ thuật tương đối thấp, thể hiện ở một số vấn đề, như quy chuẩn của Việt Nam có yêu cầu cao hơn cả quy chuẩn của những nước phát triển; chi phí tuân thủ rất cao, vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp…

Có quy chuẩn ban hành xong, đến thời điểm áp dụng rồi mà chưa chỉ định các phòng thử nghiệm trong nước đủ năng lực,  khiến hàng hoá bị tắc nghẽn như một số Quy chuẩn về thiết bị 5G.

Thậm chí, có tình trạng lạm dụng ban hành quy chuẩn và đưa vào danh mục hàng hoá nhóm 2 các loại hàng hoá không có khả năng gây mất an toàn như Quy chuẩn 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ về thép không gỉ…

“Các doanh nghiệp đề nghị một số giải pháp cần làm để nâng cao chất lượng pháp luật và tính dự đoán của pháp luật”, ông Đậu Anh Tuấn gửi kiến nghị.

Cụ thể, tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, đặc biệt đối với các Thông tư, các quy hoạch, kế hoạch; nguyên tắc không hồi tố phải được áp dụng rộng rãi hơn…

“Doanh nghiệp cũng mong được áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để giảm sự tuỳ tiện khi thi hành pháp luật”, ông Tuấn nói.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường là 149.400 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp thành lập mới đạt 103.658 doanh nghiệp. Giá trị này tuy gấp 1,2 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2018-2022, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2022 thì con số này vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03%.

Đáng chú ý số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022 lên tới 124.700 doanh nghiệp. Con số 8 tháng của năm 2023 đã cao hơn tổng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cả năm của các năm từ 2018 đến 2021, gần bằng giá trị của cả năm 2022. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động.

6 nhóm khó khăn của doanh nghiệp do VCCI tổng hợp, gửi Diễn Kinh tế – Xã hội 2023:
Một là, chất lượng cơ sở hạ tầng đang cải thiện nhưng hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; Hai là, việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thực sự thuận lợi; Ba là, chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; Bốn là, chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật cần tiếp tục được cải thiện; Năm là, các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả; Sáu là doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới.

Theo Báo đầu tư