[Quảng Nam] Cải thiện chỉ số PCI: Trách nhiệm thừa hành và ý thức công bộc

Không thiếu cơ chế, chính sách, kế hoạch cải thiện năng lực cạnh tranh. Nhưng, thiếu con người đủ năng lực thừa hành chủ trương đúng hoặc thiếu ý thức, trách nhiệm của một công bộc vì sự phát triển của địa phương thì những sáng kiến, cam kết, quyết tâm của chính quyền sẽ không có nghĩa!

Xác lập được vai trò trách nhiệm thừa hành, ý thức công bộc của cán bộ, công chức viên chức sẽ quyết định sự thành công trong công cuộc cải thiện năng lực cạnh tranh của địa phương. Ảnh: D.T

Xác lập được vai trò trách nhiệm thừa hành, ý thức công bộc của cán bộ, công chức viên chức sẽ quyết định sự thành công trong công cuộc cải thiện năng lực cạnh tranh của địa phương. Ảnh: D.T

Mở rộng không gian cải cách

Quảng Nam quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư để quay lại top 10, phấn đấu lọt vào top 6 vào năm 2025. Kế hoạch sẽ có đến 6/10 chỉ số thành phần nằm trong top 5 (gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự); 4/10 chỉ số thành phần nằm trong top 10 (chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động). Thực hiện “4 tại chỗ” trong tiếp nhận, thẩm định, phê bình và trả hồ sơ. Hướng đến cơ quan nhà nước “không giấy tờ”, hạn chế doanh nghiệp đi lại nhiều lần…

Kế hoạch cải thiện chỉ số PCI (2021 – 2025) bằng những hành động cụ thể. Sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới, rút ngắn thời gian thay đổi, đăng ký doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. Chính quyền sẽ công khai, minh bạch quy hoạch sử dụng đất, tạo đất sạch, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp.

Các chính sách, cơ chế của các cấp chính quyền sẽ được công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng và môi trường mạng, giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận chính sách dễ dàng hơn. Kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu các chi phí không chính thức (các chi phí không bắt buộc thực hiện theo quy định của Nhà nước) đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cơ chế bình đẳng cho mọi hoạt động, cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng được xây dựng, hoàn thiện. Sẽ tạo cơ chế phù hợp để hỗ trợ các loại hình doanh nghiệp phát triển theo đúng định hướng phát triển của địa phương.

Việc sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường, đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, các dịch vụ liên quan đến công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được mở rộng. Xúc tiến việc liên kết đào tạo lao động chất lượng cao và mở rộng thị trường lao động, cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

Xác lập được vai trò trách nhiệm thừa hành, ý thức công bộc của cán bộ, công chức viên chức sẽ quyết định sự thành công trong công cuộc cải thiện năng lực cạnh tranh của địa phương. Ảnh: D.T

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương buộc phải có bộ phận đầu mối theo dõi, giám sát, chịu trách nhiệm bảo đảm kế hoạch đạt mục tiêu cải thiện các chỉ số thành phần PCI do đơn vị mình phụ trách.

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết chính quyền đã đưa ra một hệ thống đánh giá, theo dõi, giám sát kết quả thực thi, để hiểu những chương trình, kế hoạch của chính mình đưa ra có thực sự lan tỏa đến hết địa phương hay sở, ban, ngành hay không. Từ đó có thể đo lường được kết quả tác động đến doanh nghiệp trên thực tế bằng sự minh bạch, cam kết thời gian thực thi.

“Hy vọng sẽ chấm dứt chuyện các sáng kiến hay ở cấp tỉnh, chủ trương đúng của lãnh đạo tỉnh không được thực thi tốt ở các sở, ngành, huyện thị, thành phố và xã” – ông Bửu nói.

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, sự khác biệt, điểm yếu lớn nhất trong cải thiện PCI của địa phương thuộc về việc thực thi của cấp chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý trước những chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh còn yếu, cho thấy không gian cải cách còn rất lớn. Quảng Nam đã có những bước chuyển rất bài bản.

Như chuyển đổi số, kết nối đầu tư, có bản đồ thể chế đánh giá mức độ thực thi chính sách của các cấp địa phương và sở, ngành (ví như thực thi các thủ tục hành chính có đúng hạn hay không), có thể thống kê theo thời gian thực (ngày, tuần, tháng…) sẽ giám sát được sự chuyển đổi của cuộc cải cách.

Ý thức công bộc

Cải thiện năng lực cạnh tranh về chất lượng điều hành kinh tế đã được đặt lên một vị trí xứng đáng khi buộc các cơ quan công quyền, tất cả công chức, viên chức dự phần vào công cuộc cải cách của địa phương. Sắp xếp, bố trí người đủ năng lực để thực hiện những cam kết, chủ trương, chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp là điều cần thiết, nhưng quyết định sự thành công của công cuộc cải thiện phải bắt đầu bằng trách nhiệm thừa hành, ý thức của mỗi công bộc.

Ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty EMIC HOSPITALITY HỘI AN nói không phải nhiều hay ít cơ chế, chính sách, quan trọng là việc cam kết thời gian thực thi, tác động đến doanh nghiệp bằng sự minh bạch trên thực tế, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống công quyền, trách nhiệm của những người thừa hành công vụ… thì mới có thể tạo ra sự thay đổi.

Không ít nhà đầu tư chán nản khi vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trên thực tế, những vướng mắc về thủ tục liên ngành đôi khi không có lối ra. Nhiều địa phương truyền thông rầm rộ về môi trường đầu tư, nhưng vẫn gây thất vọng. Có thể hiểu rằng, trong cuộc đua điểm số, thứ hạng PCI, địa phương nào cũng đều cho là có đủ chính sách, cơ chế tốt, nhưng hơn nhau ở chất lượng thực thi mới tạo ra sự thành công của cuộc cải thiện.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhiều lần than phiền trong các cuộc họp rằng cải cách hành chính chưa thành công bởi tự thua, không thắng nổi chính mình, mà cái gốc vẫn chính là năng lực thừa hành của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đã không theo kịp đà chuyển đổi.

Sự chuyển biến từ người lãnh đạo cao nhất đến từng công chức viên chức thấp nhất, đồng lòng hỗ trợ, tạo dựng niềm tin doanh nghiệp chính là khía cạnh tốt nhất của công cuộc cải thiện môi trường đầu tư.

Ông Bùi Ngọc Ảnh – Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng không chỉ có người đứng đầu mà phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của từng cán bộ giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp. Mỗi cán bộ cần xem việc hỗ trợ doanh nghiệp là trách nhiệm, không xem là việc của riêng nhà đầu tư.

Có lẽ chẳng có doanh nghiệp nào phàn nàn về môi trường đầu tư Quảng Nam nếu như tất cả cơ quan công quyền đều toàn tâm, đủ năng lực thực thi đúng các chỉ thị, nghị quyết và sự hữu hiệu tôn trọng các “hợp đồng” đã cam kết trước sự công minh và áp dụng luật pháp một cách nhất quán.

Trước chủ trương đúng, chính sách hợp lý cần đến những người thừa hành có đủ năng lực. Không có năng lực nội sinh này mọi thúc ép đều trở nên vô nghĩa. Nhưng cải cách “dựng lại người”, tạo năng lực thừa hành của đội ngũ cán bộ cần bao nhiêu thời gian để thay đổi và chuyển hóa một cách năng động hơn? Chuyển tư duy quản lý sang phục vụ nói đơn giản nhưng thực thi rất khó, cần có thời gian và ý thức của công chức.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng nếu từng công chức viên chức chưa thay đổi về trách nhiệm, ý thức công bộc thì những sáng kiến, cam kết, quyết tâm sẽ không có nghĩa. Khái niệm “chính việc”, xây dựng lương tâm chức nghiệp, “người nào, việc ấy” thì hiệu lực cải thiện sẽ dễ dàng nhìn thấy hơn!

Theo Báo Quảng Nam