[Quảng Bình] Tiếp cận khách hàng qua thương mại điện tử
Trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, diễn biến khó lường, việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp (DN) là hết sức cần thiết. Trong đó, có việc nâng cao khả năng tiếp cận khách hàng qua thương mại điện tử (TMĐT)-một trong những kênh giới thiệu, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng vô cùng quan trọng, hiệu quả hiện nay.
Những năm gần đây, bằng nhiều giải pháp linh hoạt và đồng bộ, ngành Công thương Quảng Bình đã đạt được một số kết quả khả quan. Tính đến tháng 9 năm 2023, hoạt động công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng qua các tháng và giữ mức tăng trưởng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nông thôn (CNNT), các sản phẩm OCOP được chú trọng và ngày càng phát triển. Nhiều cơ sở đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng tầm thương hiệu.
Các doanh nghiệp, HTX, chủ cơ sở sản xuất được hướng dẫn thực hành livestream bán hàng trên Tiktok.
Đến nay, toàn tỉnh có 150 sản phẩm đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 20 sản phẩm đạt sản phẩm CNNT cấp khu vực và 9 sản phẩm đạt cấp quốc gia. Toàn tỉnh có 145 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 19 sản phẩm đạt 4 sao và 126 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, bao bì đóng gói hiện đại. Đây là tín hiệu vui nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho các DN, nhất là trong bối cảnh sức mua giảm khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Được thành lập từ năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Nông sản Vân Di, xã Mai Thủy (Lệ Thủy) sản xuất các sản phẩm chính là tinh bột nghệ đỏ, viên nghệ đỏ mật ong, tinh bột sắn dây, tinh bột mỳ tinh, tinh nghệ đen, bánh xoài, bánh xoài tinh bột nghệ,… Nhiều sản phẩm trong số đó đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Không chỉ chinh phục thị trường truyền thống trong tỉnh, các sản phẩm của HTX dần hướng đến thị trường ngoại tỉnh và qua kênh TMĐT. Song bước đầu, việc triển khai đối với HTX còn nhiều khó khăn.
Chị Mai Thị Vân, Giám đốc HTX Nông sản Vân Di chia sẻ: Quá trình đưa sản phẩm đến người tiêu dùng qua kênh TMĐT, chúng tôi chưa biết cách xây dựng hình ảnh, lúng túng trong việc quảng bá như thế nào cho hiệu quả để sản phẩm tiếp cận được với nhiều người trên các trang này.
Không riêng HTX Nông sản Vân Di, nhiều cơ sở sản xuất, DN, HTX trong tỉnh gặp khó khăn khi tiếp cận với kênh TMĐT. Trước tình hình đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC-XTTM), Sở Công thương đã triển khai nhiều nội dung hoạt động nhằm hỗ trợ các DN trong việc quảng bá thương hiệu, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh thông qua TMĐT.
Phó Giám đốc Trung tâm KC-XTTM Hoàng Thị Hải Vinh cho biết: Trung tâm đã hỗ trợ 5 DN áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã QR code) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ 4 DN xây dựng “Gian hàng Việt trực tuyến” gồm các sản phẩm chủ lực, sản phẩm CNNT tiêu biểu, OCOP trên một số sàn TMĐT lớn, có uy tín của Việt Nam; hỗ trợ 5 DN phát triển thương hiệu trên môi trường internet thông qua kênh truyền thông marketing trên nền tảng số. Giúp các DN vừa thúc đẩy việc chuẩn hóa quy trình sản xuất an toàn, minh bạch từ khâu sản xuất đến quá trình phân phối đến tay người tiêu dùng, tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa.
Sàn Giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Bình đang được phát triển để trở thành một địa chỉ kinh doanh trực tuyến uy tín, hiện đại.
Trung tâm tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức và năng lực cho các DN về TMĐT, như: Kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho kinh tế tập thể và HTX; tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế trong việc kê khai, nộp thuế từ các giao dịch điện tử… Mặt khác, trung tâm cũng đã chú trọng phát triển Sàn Giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Bình (quangbinhtrade.vn) trở thành một địa chỉ kinh doanh trực tuyến uy tín, hiện đại, được nhiều DN, người tiêu dùng biết đến và giao dịch mua bán trực tuyến; qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động TMĐT và kinh tế số của tỉnh ngày càng phát triển.
Chị Mai Thị Vân, Giám đốc HTX Nông sản Vân Di cho biết: Với sự hỗ trợ của Trung tâm KC-XTTM tỉnh, trong năm nay, gian hàng trực tuyến của HTX chúng tôi đã chỉnh chu hơn về mặt hình ảnh và giá cả đồng bộ trên tất cả các trang TMĐT. Chúng tôi cũng tìm hiểu về quảng cáo trên các trang TMĐT giúp tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.
“Nếu như chỉ có bán hàng trực tiếp rất khó để phát triển sản xuất, chỉ làm nhỏ lẻ chứ không thể làm lớn được. Kể cả hệ thống các đại lý của HTX chúng tôi cũng đều bán online. Ở thời đại này, các cơ sở sản xuất chưa tận dụng lợi thế kinh doanh qua kênh TMĐT là rất thiệt thòi. Chính vì vậy, chúng tôi đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nhiều nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, zalo, lập trang web riêng của HTX hay các sàn TMĐT khác”, anh Võ Phước Bách, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Anh Minh (HTX Anh Minh) ở Lệ Thủy khẳng định.
Song thực tế, không phải đơn vị nào cũng dành đủ thời gian, tâm huyết cho việc nâng cao khả năng tiếp cận khách hàng qua kênh TMĐT như HTX Anh Minh. Một số gian hàng trực tuyến được mở ra, với sự đầu tư về mặt hình ảnh, công nghệ,… nhưng sau một thời gian không được “chăm sóc”, dần ít người biết đến, thậm chí có khi bị “khóa”, không thể hoạt động kinh doanh bình thường. Hiệu quả trong việc phát triển kinh doanh qua TMĐT vì thế cũng bị giảm sút và lãng phí nguồn đầu tư ban đầu.
Anh Võ Phước Bách, Giám đốc HTX Anh Minh cho biết thêm: Trên 90% số lượng sản phẩm của HTX (gồm bột ngũ cốc, các loại dầu gội, sữa tắm, tinh dầu,.. từ thảo mộc) đều được bán ra trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, zalo, các sàn giao dịch TMĐT.

Thực tế cho thấy, đối với nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm CNNT ở tỉnh ta hiện nay, các kênh TMĐT chiếm chủ đạo trong việc giới thiệu, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Qua đó, giúp cho các DN Quảng Bình tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển ổn định, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần nâng tầm giá trị cho các sản phẩm, mở ra nhiều cơ hội để ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, tiểu thủ công nghiệp của Quảng Bình phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đây cũng là xu thế tất yếu trong thời kỳ phát triển mạnh kinh tế số, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Bởi vậy, bên cạnh việc hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật thì công tác tuyên truyền về lợi thế, hiệu quả của TMĐT cũng cần được chú trọng hơn nữa, để tránh việc lãng phí công sức đầu tư ban đầu cho lĩnh vực này.

Theo Báo Quảng Bình