[Đà Nẵng] Phát triển kinh tế đêm bền vững

Kinh tế ban đêm ngày càng được các địa phương chú trọng phát triển, trong đó có Đà Nẵng. Đây được xem là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch mới có sức hút đối với du khách cũng như doanh thu cho du lịch địa phương. Tuy nhiên phát triển kinh tế đêm sao cho xứng tầm và bền vững là điều mà những người làm du lịch đang muốn hướng đến.

Các hoạt động về đêm tại Đà Nẵng đang dần thu hút khách. TRONG ẢNH: Du khách mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà. Ảnh: THU HÀ

Góp phần nâng cao đời sống người dân

Lâu nay chợ đêm Sơn Trà đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế khi đến Đà Nẵng. Đặc biệt là các tối cuối tuần du khách thường đến xem cầu Rồng phun lửa, phun nước sau đó đi chợ đêm mua sắm quà lưu niệm, đặc sản địa phương, thưởng thức ẩm thực…

Anh Andrew Carney (du khách Mỹ) bày tỏ sự bất ngờ khi thấy không khí mua sắm ở chợ đêm Sơn Trà rất nhộn nhịp, đông khách du lịch nước ngoài; hàng hóa bày bán ở đây cũng khá nhiều, song chủ yếu là hàng lưu niệm nhỏ và đặc sản địa phương…

Chị Đặng Bích Hà, tiểu thương kinh doanh hàng lưu niệm tại chợ đêm Sơn Trà cho biết, từ sau Covid-19 hoạt động du lịch được phục hồi, mỗi đêm lượng khách du lịch đến đây rất lớn. Không chỉ khách nội địa mà có rất đông các đoàn khách quốc tế như Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, khách từ các thị trường nói tiếng Anh… nhờ vậy mà hoạt động kinh doanh cũng có nhiều khởi sắc.

Để phục vụ và đáp ứng nhu cầu của du khách ngày một nhiều hơn, mới đây phố đi bộ, chợ đêm An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) cũng đi vào hoạt động giúp du khách có thêm các trải nghiệm mới mẻ. Doanh nghiệp kinh doanh khá hào hứng với sản phẩm mới này và mong đợi sẽ có thêm một sản phẩm du lịch đặc trưng dành cho khách du lịch; đồng thời là một địa điểm để du khách khám phá những hoạt động về đêm với những nét văn hóa và ẩm thực của địa phương.

Tuy nhiên, theo ý kiến phản ánh, hiện nay một số tiểu thương kinh doanh tại phố đi bộ, chợ đêm An Thượng sử dụng loa mở nhạc quá to để thu hút khách, điều này không tạo được bản sắc riêng lại còn ảnh hưởng đến khách lưu trú. Chị Tiêu Anh Thư, đại diện Khách sạn TMS Danang Beach (đường Võ Nguyên Giáp) cho rằng, bên cạnh việc tạo ra các hoạt động phong phú thu hút khách du lịch thì cần phải giữ được hình ảnh đẹp và văn minh đối với du khách.

Thành phố nên kiểm soát về thể loại âm nhạc và độ ồn của âm thanh trong khu vực chợ đêm; các chương trình giải trí nên là các chương trình nghệ thuật mang tính văn hóa truyền thống nhiều hơn như ca múa nhạc dân tộc hoặc các ban nhạc đường phố chơi ghi-ta, nhạc cụ nhẹ nhàng. Ngành du lịch và địa phương cũng nên thực hiện khảo sát về mức độ hài lòng của du khách khi đến chợ đêm và các đơn vị kinh doanh quanh khu vực về hiệu quả của chợ đêm để có hướng phát triển lâu dài…

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội lữ hành Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Anh nhìn nhận, Đà Nẵng có khá nhiều các điểm mua sắm bình dân nhưng lại thiếu các trung tâm thương mại đẳng cấp lớn dành cho dòng khách có mức chi tiêu cao. Để tạo ra các khu vui chơi giải trí quy mô về đêm, Đà Nẵng cần tạo cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà đầu tư và để các khu kinh tế đêm phát triển bền vững thì cần quy hoạch các phân khu cụ thể, có định hướng về sản phẩm phù hợp với các thị trường khách; có các sản phẩm xen kẽ mua sắm, vui chơi, giải trí, ăn uống; đồng thời khuyến khích nhiều người dân địa phương cùng tham gia vào các hoạt động kinh tế đêm thì mới dễ thu hút khách.

Đà Nẵng chủ động trong việc tạo các sản phẩm về đêm dành cho du khách. TRONG ẢNH: Du khách thư giãn, trải nghiệm tại bãi biển Phạm Văn Đồng. Ảnh: T.H

Đón đầu xu hướng

Kinh tế đêm được hiểu là những hoạt động, dịch vụ diễn ra từ 18 giờ hôm trước đến sáng hôm sau với các hoạt động như ẩm thực, mua sắm, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, nghệ thuật, âm nhạc… Mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14-7-2023 về việc ban hành đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, bền vững, đặc sắc có chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Theo đó, đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các địa phương Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm; hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện đề án ít nhất một đêm…

Thực tế, chính quyền thành phố cũng rất quan tâm đến các hoạt động phát triển kinh tế đêm, bởi đây sẽ là sản phẩm gia tăng trải nghiệm dành cho khách hàng khi đến Đà Nẵng. Ngày 28-9-2020, UBND thành phố đã có Quyết định số 3613/QĐ-UBND ban hành đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng” do Sở Du lịch là đơn vị chủ trì. Đề án ưu tiên khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm theo đặc thù riêng và tình hình thực tế của Đà Nẵng nhằm tận dụng tối đa cơ hội mới cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Do đó, nhiều mô hình kinh tế đêm đã được đưa vào khai thác như chợ đêm Sơn Trà, chợ đêm Helio, chợ đêm An Thượng, bãi biển đêm Mỹ An…

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Cao Trí Dũng đánh giá, về cơ bản Đà Nẵng đã đi trước, đón đầu trong việc triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế đêm. Nhiều hoạt động kinh tế đêm của Đà Nẵng được du khách đón nhận như phố đi bộ, chợ đêm, tour du lịch trên sông về đêm, một số vũ trường, spa, cụm vui chơi giải trí về đêm ven biển… Riêng về mua sắm đêm, tuy chưa có sản phẩm đặc thù cho du lịch nhưng Đà Nẵng đã có một số dự án các khu mua sắm tập trung lớn trong tương lai.

Theo ông Cao Trí Dũng, thành phố đã chủ động triển khai, ban hành các đề án riêng về phát triển du lịch, kinh tế đêm. Hệ sinh thái của Đà Nẵng rất đa dạng và phong phú để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách; cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đã và đang tham gia sâu vào các chuỗi sản phẩm du lịch đêm. Mô hình phố du lịch đi bộ, chợ đêm An Thượng được hình thành với sự kết hợp đa dạng cả mua sắm, vui chơi giải trí tập trung, gần các điểm lưu trú quy mô lớn mang tính cộng đồng cao… Đây có thể xem là sản phẩm đặc trưng riêng của Đà Nẵng nếu được nâng tầm hơn nữa bằng cách bổ sung thêm các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm đa dạng hơn để thu hút khách trong tương lai.

Theo Báo Đà Nẵng