Những rào cản trong lộ trình phát triển bền vững của doanh nghiệp

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng lâu năm, cần ngân sách đầu tư lớn, công nghệ quản lý dữ liệu… để chuyển hướng sang phát triển bền vững.

Theo Tập đoàn toàn cầu Schneider Electric và Công ty Nghiên cứu Omdia, 48% công ty sản xuất trên toàn cầu vẫn chưa triển khai các sáng kiến về bền vững. Đa số doanh nghiệp gặp nhiều rào cản ngăn chặn việc triển khai dự án bền vững, từ cơ sở hạ tầng đến văn hóa.

Cơ sở hạ tầng và thiết bị hiện hữu không linh hoạt

Theo Gregory Tink – Giám đốc tư vấn chuyển đổi kỹ thuật số Schneider Electric, các nhà lãnh đạo ngành sản xuất đang đối mặt với thách thức lớn khi cố gắng thay thế tài sản và cơ sở hạ tầng cũ. Công ty công nghiệp thường đo tốc độ thay thế cơ sở hạ tầng tính bằng thập kỷ và quá trình này tốn kém chi phí, gây xáo trộn quy trình vận hành. Nhưng nếu tiếp tục sử dụng hệ thống hiện hữu sẽ gây ảnh hưởng đến việc triển khai chiến lược phát triển và thực thi sáng kiến bền vững.

Doanh nghiệp có thể chọn nâng cấp hệ thống theo chiến lược nhưng cần phải đảm bảo tính đồng bộ của các thiết bị trong quá trình này vì chỉ một sai sót nhỏ đều có khả năng làm phát sinh chi phí và gây ra lượng khí thải carbon lớn hơn.

Việc đầu tư vào hoạt động bền vững mang đến làn sóng đầu tư FDI cho doanh nghiệp. Ảnh: Schneider Electric

Giải pháp cho doanh nghiệp là “cải tạo số hóa” (Digitally retrofit) để tối đa hóa hiệu quả, giảm thiểu tác động đến môi trường qua việc triển khai hệ thống quản lý năng lượng thông minh (EMS) nhằm giám sát, quản lý việc sử dụng năng lượng. Từ đó kết hợp với phần mềm cảm biến, theo dõi các thay đổi về thời tiết hoặc số lượng người trong khu vực để tự động điều chỉnh mức tiêu thụ năng lượng cần thiết.

Trong đó, Oxford Energy – một tổ chức làm trong lĩnh vực điện lạnh đã áp dụng giải pháp EcoStruxure Machine của Schneider Electric để có hệ thống điện lạnh hiệu quả hơn cho khách hàng khi giúp tiết kiệm đến 70% lượng năng lượng tiêu thụ, giảm chi phí dịch vụ, vận hành, bảo dưỡng và điện.

Cần nguồn ngân sách đầu tư lớn

Theo Industrial Sustainability Today, nhiều doanh nghiệp cho biết chi phí ban đầu hoặc ngân sách rào cản lớn. Họ thường gặp khó khăn trong việc thuyết phục phòng tài chính phân bổ nguồn kinh phí khỏi các hoạt động kinh doanh thông thường như mua hàng và marketing để hướng tới sự phát triển bền vững.

Thực tế, đầu tư vào phát triển bền vững là khoản đầu tư quan trọng nhất mà tổ chức có thể thực hiện. Các cổ đông, người dùng ngày càng chú trọng đến môi trường. Theo báo cáo của Công ty Simon-Kucher & Partners thực hiện vào năm 2021, 60% người tiêu dùng toàn cầu đánh giá tính bền vững là tiêu chí quan trọng khi lựa chọn một thương hiệu sản phẩm. Các nhà đầu tư sẽ xem xét nỗ lực ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) dài hạn của một doanh nghiệp như: tình hình tài chính trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Nền tảng EcoStruxure từ Schneider Electric là một trong những giải pháp hàng đầu giúp kết nối tất cả tài nguyên trong doanh nghiệp, từ khâu sản xuất đến khâu quản lý, vận hành. Ảnh: Schneider Eletric

Yêu cầu quản lý dữ liệu tập trung

Các phương thức cung cấp thông tin đang được phát triển nhanh chóng và đa dạng trên nhiều nền tảng, tạo ra nguy cơ tiềm ẩn về việc quản lý dữ liệu không đồng bộ, thiếu sự kết nối. Một hệ thống quản lý thông tin không hiệu quả dẫn đến việc lượng dữ liệu dồi dào biến thành trở ngại đối với doanh nghiệp hơn là tác nhân thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần đặt mục tiêu tích hợp dữ liệu hoặc truy cập vào một nguồn dữ liệu chính xác duy nhất. Việc tìm kiếm giải pháp vận hành trên nhiều nền tảng và dễ dàng tích hợp với các hệ thống hiện có sẽ mang lại cho doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh mà họ đang hướng đến.

Khó khăn trong thay đổi văn hóa doanh nghiệp

Thay đổi văn hóa là quá trình phức tạp và đòi hỏi sự cam kết từ tất cả cấp quản lý và nhân viên trong tổ chức. Đây không chỉ là việc thay đổi các quy trình, hệ thống đã tồn tại mà còn là thay đổi tư duy, hành vi và giá trị của mọi người.

Một trong những nguyên nhân khiến việc thay đổi văn hóa trở thành thách thức lớn cho doanh nghiệp là sự thiếu hiểu biết về lợi ích cụ thể của sự phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận ra bền vững không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và sự phát triển của từng cá nhân. Theo nghiên cứu từ Schneider Electric vào năm , chỉ 10% doanh nghiệp có khả năng giải thích những lợi ích của việc phát triển bền vững cho nội bộ.

Thay đổi văn hóa đòi hỏi sự linh hoạt và sẵn lòng thích nghi với thử thách mới. Doanh nghiệp cần phải thúc đẩy tinh thần sáng tạo và khuyến khích sự tham gia tích cực từ đội ngũ nhằm tạo ra môi trường làm việc đồng thuận và hỗ trợ sự phát triển bền vững.

Theo Trang Vnexpress