Năng lượng tái tạo xanh, xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững
Đó là khẳng định của Phó giám đốc VCCI HCM Nguyễn Hữu Nam tại Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng “0” – Cơ hội và thách thức”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Nam – Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM (VCCI HCM) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát thải khí nhà kính nhanh nhất khu vực Mê-kông. Theo Báo cáo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu (CRI) năm 2020, Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
Theo Phó giám đốc VCCI HCM Nguyễn Hữu Nam, trong bản thảo cập nhật mới nhất của Quy hoạch Điện VIII (PDP8) tới năm 2030, Việt Nam sẽ không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới ngoài những dự án đã được phê duyệt. Đồng thời, việc đầu tư vào các nhà máy điện than sẽ chấm dứt hoàn toàn vào năm 2050 và định hướng phát triển ngành năng lượng bền vững.
“Với những ưu tiên trong chính sách của Chính phủ, năng lượng tái tạo đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây tại Việt Nam, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió”, Phó giám đốc VCCI HCM Nguyễn Hữu Nam nhấn mạnh.
Phó giám đốc VCCI HCM Nguyễn Hữu Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 nhằm thực hiện hóa các mục tiêu khí hậu.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, để đạt được hiệu quả, cộng đồng doanh nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng, là đối tượng trực tiếp tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững.
Ông cho rằng, sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn điện đáng tin cậy. Nhiều thách thức và cơ hội trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.
“Giải pháp về quản trị, cơ chế, chính sách, các vấn đề về tài chính, công nghệ, kỹ thuật và lộ trình giảm phát thải,… đang là đòi hỏi cấp bách. Để thực hiện, Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ của mình về giảm mức phát thải thông qua chuyển dịch năng lượng công bằng và bền vững, tiết kiệm và hiệu quả”, Phó giám đốc VCCI HCM Nguyễn Hữu Nam chia sẻ.
Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng “0” – Cơ hội và thách thức” do VCCI HCM tổ chức thu hút đông đảo doanh nghiệp tham dự – Ảnh: Đình Đại.
Cũng theo ông Nam, năng lượng là ngành tạo ra nhiều lượng phát thải nhất, nhưng đồng thời cũng là ngành có nhiều tiềm năng nhất để giảm phát thải tại Việt Nam. Do đó, việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm hoặc chấm dứt việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, như than và dầu khi, để tạo ra điện là vô cùng cấp thiết để đạt mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng này.
“Mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 mang đến nhiều thách thức, song cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu đổi mới sáng tạo để đầu tư vào các hoạt động như xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình xanh,… góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu”, Phó giám đốc VCCI HCM Nguyễn Hữu Nam chia sẻ thêm.
Ông Đặng Ngọc Quốc Thắng, đại diện Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 3 (PECC3) cho biết, mục tiêu của Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) là huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển điện lực để bảo đảm cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng cao, giá điện hợp lý;
Bên cạnh đó, sử dụng đa dạng, hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp; đẩy mạnh phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn điện sản xuất từ nhiên liệu nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng;
Ngoài ra, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội bền vững; hình thành và phát triển hệ thống điện thông minh, có khả năng tích hợp với nguồn năng lượng tái tạo tỷ lệ cao.
Nhận xét về QHĐ8 trước và sau Hội nghị COP26, ông Thắng cho rằng, phương án điều hành chuyển đổi năng lượng đáp ứng được cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26, hệ thống điện được chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng xanh và sạch. Nhược điểm của các phương án này là chi phí đầu tư còn cao và giá thành sản xuất điện đến năm 2045 tăng khoảng 30% so với Phương án điều hành tháng 3/2022.
“Phương án điều hành chuyển đổi năng lượng sẽ được khuyến nghị lựa chọn trong phát triển điện lực của Việt Nam khi có sự hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế để hướng tới mục tiêu giảm phát thải chung của toàn thế giới. Quy hoạch điện 8 đề xuất lựa chọn phương án chuyển đổi năng lượng để điều hành phát triển nguồn điện trong thời kỳ quy hoạch”, ông Thắng nhận xét.
Ngoài ra, ông Thắng cũng cho biết, vào tháng 12/2022, các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế đã thống nhất một chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Theo ông Thắng, JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu tham vọng về đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đẩy nhanh tốc độ đạt đến đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch.
JETP ban đầu sẽ huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3-5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam hướng tới một số mục tiêu:
Thứ nhất, đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến ở Việt Nam từ năm 2035 thành năm 2030;
Thứ hai, giảm phát thải đỉnh của ngành điện tối đa là 30% đến năm 2030, từ 240 triệu tấn CO2 xuống 170 triệu tấn CO2;
Thứ ba, giảm công suất điện than của Việt Nam từ mức 37 GW theo kế hoạch hiện tại xuống còn 30,2 GW;
Thứ tư, đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo để năng lượng tái tạo chiếm 47% tổng lượng điện được tạo ra đến năm 2030 (so với tỷ trọng hoạch định hiện nay là 36%.