[Kon Tum] Cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Tăng giá trị, giảm chi phí

Với diện tích đất nông nghiệp trên 902.000ha, cùng điều kiện khí hậu thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, ngành Nông nghiệp được xác định là thế mạnh, là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp. Vì vậy, ngành Nông nghiệp đã có tiến bộ vượt bậc, khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế của tỉnh, góp phần quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định xã hội

Tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng của ngành Nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng, phát triển vững chắc, dần đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

Xuất khẩu nông nghiệp cũng đạt bước tiến quan trọng, với các mặt hàng nông sản  chủ yếu là cà phê, cao su.

Từ một tỉnh có tỷ lệ hộ đói nghèo trên 25% (năm 2002), đến năm 2005 toàn tỉnh không còn hộ đói và đến năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,86%; bình quân lương thực đầu người ở mức cao; đảm bảo an ninh lương thực.

Tuy nhiên, thành tích về hiệu quả, phúc lợi nông dân và chất lượng sản phẩm của nông nghiệp tỉnh ta không ấn tượng như thành tích về năng suất, sản lượng.

Trong đó, còn thua kém các tỉnh trong khu vực và trong cả nước nếu xét về hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, lao động và nước. Khoảng cách giữa thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp ngày càng tăng.

Hầu hết hàng nông sản được bán ở dạng nguyên liệu thô với giá thấp hơn do còn thua kém về chất lượng và một số nguyên nhân khác. Ngay ở trong tỉnh, an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề đáng quan ngại.

Tăng trưởng nông nghiệp, cho đến nay, chủ yếu dựa vào mở rộng sản xuất hoặc tăng cường sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như sử dụng khá nhiều phân bón và các hóa chất khác trong nông nghiệp.

Do đó tăng trưởng nông nghiệp cũng đi kèm tác động xấu về môi trường như mất rừng, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, suy thoái đất và ô nhiễm nước. Nói cách khác, tăng trưởng nông nghiệp tỉnh ta còn dựa khá nhiều vào sức lao động, tài nguyên thiên nhiên và hóa chất trong sản xuất.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang đứng trước những thách thức lớn, đòi hỏi có sự thay đổi, nếu muốn tiếp tục giữ được vị thế của mình. Trong đó có thể kể đến hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ; thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp đặc biệt là biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống, môi trường trên toàn cầu.

Cùng với đó, thị trường tiêu dùng trong nước và thế giới thay đổi mạnh với những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao, những yêu cầu mới về môi trường, tiêu dùng xanh ngày càng phổ biến.

Kế hoạch số 3212/KH-UBND ngày 22/9/2023 của UBND tỉnh về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025 đã nêu rõ: Xây dựng nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại, sản xuất an toàn, hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị bền vững; góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện cơ cấu ngành Nông nghiệp theo 3 hướng. Một là,  cơ cấu theo 3 nhóm sản phẩm, gồm nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương.

Hai là, cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực, gồm lĩnh vực trồng trọt; lĩnh vực chăn nuôi; lĩnh vực thủy sản và lĩnh vực lâm nghiệp.

Ba là, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực như cao su, mì, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung, vùng sản xuất gỗ, sản phẩm từ gỗ.

Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện tốt Kế hoạch 3212, cần một chiến lược nhằm “tăng giá trị, giảm chi phí”, tức là tăng phúc lợi cho nông dân, người tiêu dùng, và xã hội đồng thời sử dụng ít nguồn lực hơn và giảm bớt tác động tới môi trường.

Cần có chính sách hỗ trợ nông dân thay đổi cách thức sử dụng đất theo hướng hiệu quả hơn. Ảnh: HL

Có thể thực hiện mục tiêu đó bằng cách hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thay đổi cách thức sử dụng đất nông nghiệp, cách thức tổ chức sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp. Ví dụ, thúc đẩy chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng loại cây khác phù hợp.

Hệ thống canh tác cũng cần thay đổi theo hướng áp dụng luân canh nhằm cải thiện chất lượng đất và kiểm soát dịch bệnh; chuyên canh các loại cây trồng; ứng dụng và nhân rộng các hệ thống canh tác hữu cơ, an toàn sinh thái.

Thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản; tạo liên kết chặt chẽ giữa các tổ nhóm nông dân với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tạo điều kiện cho các nông hộ nhỏ đạt lợi thế quy mô thông qua tập trung, tích tụ ruộng đất để nâng cấp sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm chi phí trong chuỗi giá trị, giúp các hộ nông dân dễ dàng cơ giới hóa sản xuất, giảm chi phí nhân công.

Khuyến khích nông dân tham gia các hình thức hợp tác hoặc hỗ trợ doanh nghiệp liên kết kinh doanh để tận dụng được lợi thế theo quy mô nhờ tập trung được nguồn lực.

Sử dụng thuốc BVTV, phân bón hợp lý để giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Ảnh: HL

Và cuối cùng, cần phải có các chiến lược chủ động về phát triển nông nghiệp sinh thái nhằm ngăn chặn suy thoái môi trường ngay từ đầu. Trên thực tế, điều này có thể thực hiện được thông qua đẩy mạnh hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hợp lý, khoa học; tăng tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Theo Báo Kom Tum