Kinh tế Việt Nam cần coi trọng giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh hơn

Năm 2023, nhiều tổ chức dự báo, kinh tế Việt Nam thậm chí sẽ khó khăn và thách thức hơn. Vì thế, những giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi trọng, cụ thể, đúng địa chỉ hơn và nỗ lực thực thi phải mạnh mẽ hơn.

Công tác cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam đã, đang diễn ra mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm nâng cao năng lực phục vụ doanh nghiệp của Chính phủ.
Công tác cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam đã, đang diễn ra mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm nâng

cao năng lực phục vụ doanh nghiệp của Chính phủ.

Môi trường kinh doanh là nhóm chỉ số được đánh giá, đo lường trong hầu hết các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh. Môi trường kinh doanh thuận lợi góp phần giảm chi phí, rủi ro cho doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích và tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Sự phát triển bền vững của doanh nghiệp góp phần tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập và qua đó giúp kinh tế tăng trưởng và phát triển thịnh vượng.

Xu hướng chững lại

Trong những năm gần đây, Việt Nam có cải thiện về chất lượng môi trường kinh doanh (thể hiện quyền tự do kinh doanh) thông qua các đánh giá quốc tế. Tuy nhiên, mức độ cải thiện có những khác biệt qua các năm.

Rõ ràng, về chất lượng môi trường kinh doanh có cải thiện qua việc tăng điểm, nhưng còn ít và chậm. Ba năm gần đây, xu hướng này chững lại với nhiều chỉ số không cải thiện hoặc cải thiện rất chậm. Vì thế, việc đặt mục tiêu của Chính phủ vào nhóm nước ASEAN 4 trở nên khó khăn, thách thức hơn.

Thủ tướng Chính phủ thể hiện nhiều nỗ lực, quyết tâm cải cách, song việc hiện thực hóa bằng hành động cải cách của các Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Bởi vậy, để làm quá trình cải thiện diễn ra mạnh mẽ, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy đầu tư, tạo việc làm, thu nhập và tăng trưởng bền vững, cần xác định một số nguyên tắc.

Thứ nhất, cải cách từ tư duy quản lý của các Bộ, ngành theo hướng vì mục tiêu phát triển doanh nghiệp. Do đó, cần có sự quan tâm, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ và thực chất của các bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, nhân rộng các sáng kiến cải cách và phương thức quản lý hiện đại theo thông lệ quốc tế tốt.

Thứ ba, đối với các chỉ số nhiều năm không có cải thiện hoặc cải thiện chậm cần có sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; sửa đổi các quy định và cải cách thực thi để tạo sự chuyển biến. Đối với các chỉ số còn có sự khác biệt lớn giữa quy định văn bản và thực thi phải được giám sát, chấn chỉnh nhằm đảm bảo minh bạch, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ tư, các cải cách về quy định pháp luật phải đồng bộ nhưng có chọn lọc những vấn đề, lĩnh vực mang tính đột phá để thúc đẩy các vấn đề, lĩnh vực khác. Ví dụ, thúc đẩy hoạt động chính phủ điện tử sẽ tác động tới các thủ tục hành chính (như đăng ký kinh doanh, đăng ký tài sản, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội…), thủ tục hành chính tư pháp (giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản) và tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước.

Thứ năm, mỗi chính sách mới cần được đánh giá tác động tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Các đánh giá này phải được thực hiện nghiêm túc, có phương pháp khoa học thay vì chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ. Hoạt động đánh giá tác động chính sách phải tham vấn được rộng rãi các đối tượng bị điều chỉnh (nhất là doanh nghiệp và người dân), thiết lập cơ chế công khai việc tiếp thu ý kiến đóng góp của các bên liên quan.

Đồng thời, cần thiết phải có sự tham gia của đại diện các tổ chức nghiên cứu độc lập, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, chuyên gia trong quá trình thẩm định văn bản pháp luật; xây dựng cơ chế tiếp nhận ý kiến và phản hồi ý kiến đối với các đối tượng bị điều chỉnh bởi văn bản pháp luật.

Bàn giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

Năm 2020-2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực.

Từ giữa năm 2022, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động; số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.

Sang năm 2023, nhiều tổ chức dự báo, kinh tế Việt Nam thậm chí sẽ khó khăn và thách thức hơn. Vì thế, những giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi trọng, cụ thể, có địa chỉ hơn và nỗ lực thực thi phải mạnh mẽ hơn.

Về trung và dài hạn, môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi bắt đầu quá trình phục hồi.

Ở một số quốc gia, khủng hoảng kinh tế tạo cơ hội thúc đẩy cải cách thể chế một cách có hệ thống (chẳng hạn như Hàn Quốc trong và sau khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 1990).

Để đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy quyền tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường, cần thực hiện bốn giải pháp.

Thứ nhất, gỡ bỏ các rào cản gia nhập thị trường; tạo lập khung khổ pháp lý minh bạch với tinh thần đảm bảo tự do, thuận lợi và an toàn cho hoạt động sản 60 xuất, kinh doanh. Với môi trường kinh doanh như vậy sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp an tâm theo đuổi hoạt động sản xuất, kinh doanh và có nhiều sáng tạo cho phát triển xã hội.

Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình, phương thức kinh doanh phù hợp với bối cảnh mới, như các mô hình kinh doanh trực tuyến, cá nhân kinh doanh. Hoàn thiện khung pháp lý về thương mại điện tử. Trong bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến động thị trường khó đoán định thì việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, khuyến khích đổi mới, sáng tạo là quan trọng trong bảo đảm khôi phục kinh tế và phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thứ ba, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 là giải pháp quan trọng, mang tính khả thi cao nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và tận dụng, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ tư, để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các mục tiêu và giải pháp của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả thị trường và năng lực cạnh tranh, xin kiến nghị Chính phủ yêu cầu người đứng đầu (gồm các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh): trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đề ra về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình và đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp gắn với trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương.


(*) Chuyên gia về Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

(**) Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo Báo Quốc Tế