Hơn 2.890 cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính, bất ngờ có chăn nuôi

Theo dự thảo mới của Bộ TN-MT, tổng số cơ sở thuộc các danh mục phải kiểm kê khí nhà kính vừa cập nhật là 2.893 cơ sở, tăng thêm 981 cơ sở, tăng 51,3% so với năm 2022

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Hơn 2.890 cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính, bất ngờ có chăn nuôi- Ảnh 1.Các cơ sở chăn nuôi thuộc danh mục phải kiểm kê khí nhà kính. Ảnh minh họa

Dự thảo quy định danh sách các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê thuộc các ngành công thương, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thuộc các danh mục trên.

Góp ý cho dự thảo trên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết Phụ lục IV Dự thảo về Danh mục cơ sở kiểm kê ngành xây dựng có quy định cả các cơ sở là bệnh viện.

Theo VCCI, quy định này là chưa phù hợp, bởi phụ lục I về phân loại công trình xây dựng Nghị định 46/2015/NĐ-CP quy định các bệnh viện thuộc loại các công trình y tế, không phải tòa nhà thương mại.

Ngành xây dựng có 140 cơ sở (Phụ lục IV) bao gồm các doanh nghiệp sản xuất xi-măng và các tòa nhà thương mại có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên, tăng thêm 36 cơ sở so với năm 2022.

Theo ý kiến của các cơ quan liên quan của Bộ Xây dựng, danh mục thuộc ngành xây dựng không bao gồm các tòa nhà chung cư, bệnh viện, trường học do việc vận hành các loại tòa nhà này không thuộc diện quản lý của ngành xây dựng và lượng phát thải khí nhà kính, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính của các loại tòa nhà nêu trên không lớn so với tổng phát thải khí nhà kính của lĩnh vực tòa nhà.

Tương tự, Phụ lục III, Dự thảo về Danh mục cơ sở kiểm kê ngành giao thông vận tải quy định cả các công ty kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách. VCCI cũng cho rằng quy định này là chưa phù hợp vì cơ sở kinh doanh lĩnh vực vận tải hành khách không thuộc các trường hợp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Nghị định 06/2022.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các cơ sở trong Danh mục đảm bảo tuân thủ theo đúng các tiêu chí tại Điều 6 Nghị định 06/2022.

Đáng chú ý, VCCI nhìn nhận việc Bộ TN-MT thêm vào dự báo danh mục các cơ sở trong lĩnh chăn nuôi là không phù hợp.

Lý giải cho việc này, cơ quan soạn thảo cho rằng các cơ sở này có mức phát thải trên 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên.

Tuy nhiên, VCCI đề nghị Bộ TN-MT cân nhắc Nghị định 06/2022 không quy định các doanh nghiệp này thuộc các trường hợp kiểm kê khí nhà kính. Việc bổ sung doanh nghiệp vào Danh mục này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ về kiểm kê và giảm phát thải tại Nghị định 06/2022.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện nhiều cơ sở chăn nuôi đang đối mặt với vấn đề chi phí kinh doanh lớn do các tác động từ dịch bệnh COVID-19 và các yêu cầu về di dời địa điểm chăn nuôi theo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Quy định này sẽ ngay lập tức tạp thêm gánh nặng lên các doanh nghiệp tại thời điểm này.

Theo Dự thảo của Bộ TN-MT, tổng số cơ sở thuộc các danh mục phải kiểm kê khí nhà kính cập nhật là 2.893 cơ sở, tăng thêm 981 cơ sở, tương đương với mức tăng 51,3% so với năm 2022, ước tính chiếm tỉ lệ khoảng 34,5% trong tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.

Đây là các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính cao thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực cần được quản lý chặt chẽ về phát thải khí nhà kính. Các cơ sở nêu trên kể từ năm 2025 sẽ phải nộp báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cho cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân để thẩm định.

Đồng thời, các cơ sở phải thực hiện xây dựng và triển khai các kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính nhằm đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải chung của các ngành, địa phương và quốc gia. Các Bộ quản lý lĩnh vực cũng có trách nhiệm hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính, thẩm định kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý.

Theo Báo Người Lao Động