Gỡ khó về thuế, cơ chế tài chính
Sửa đổi quy định về chính sách thuế, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tự chủ tài chính, đặt hàng… sẽ góp phần hỗ trợ các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn hiện tại.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) sửa đổi với đề xuất bổ sung hoạt động báo chí khác (ngoài báo in) vào đối tượng được ưu đãi thuế thu nhập DN.
Nên áp dụng đồng đều thuế suất 10%
Ngoài hoạt động báo in đã được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN ưu đãi ở mức 10%, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất ưu đãi đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác là 15% – giảm 5% so với hiện hành.
Bộ Tài chính dẫn kiến nghị của các cơ quan báo chí cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho rằng bên cạnh hoạt động báo in, các cơ quan báo chí hiện có nhiều loại hình báo chí khác cũng phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu như báo nói, báo hình, báo điện tử. Trong khi đó, cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, mạng xã hội, nguồn thu từ quảng cáo của các cơ quan báo chí sụt giảm rất lớn. Việc hạch toán riêng các nguồn thu để khai, nộp thuế cũng ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan báo chí.
“Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN cho tất cả loại hình báo chí để tạo điều kiện hỗ trợ báo chí” – Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Tại một hội thảo về kinh tế báo chí mới đây, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT-TT, nêu rõ các cơ quan báo chí đang gặp hàng loạt khó khăn liên quan chính sách thuế, cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước. Bộ TT-TT đề xuất thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN cho tất cả loại hình báo chí để không chỉ hỗ trợ cơ quan báo chí mà còn tạo thuận lợi cho việc hạch toán, quản lý thuế.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đề xuất của Bộ TT-TT về việc thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế suất thuế thu nhập DN 10% cho mọi loại hình báo chí là hoàn toàn hợp lý.
Về phía cơ quan báo chí, ông Lê Trần Nguyên Huy, quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, bày tỏ mong muốn chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN cho báo chí sớm được thông qua để giúp các cơ quan báo chí giảm căng thẳng trong bối cảnh doanh thu sụt giảm và có thêm nguồn lực đầu tư cho công nghệ, nội dung.
Cho rằng mức thuế thu nhập cá nhân 20% theo quy định hiện hành là khá cao trong bối cảnh các cơ quan báo chí gặp khó khăn, thách thức trong việc khai thác nguồn thu, ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long, kiến nghị miễn thuế thu nhập DN đối với cơ quan báo chí hoặc có chính sách miễn, giảm linh hoạt từng năm theo biến động của nền kinh tế.
Tiếp sức báo chí trước áp lực số hóa
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thoa – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – bối cảnh công nghệ số phát triển đặt báo chí trước áp lực cạnh tranh rất lớn với các nền tảng truyền thông xã hội. Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính để báo chí phát triển phù hợp xu hướng truyền thông hiện đại mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị là rất cần thiết.
“Dịch vụ báo chí là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu. Vì thế, nhà nước cần hỗ trợ và bảo đảm các điều kiện để cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ” – bà Nguyễn Thị Mai Thoa phân tích.
Ông Lê Thanh Tuấn cho hay Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long đã đẩy mạnh nguồn thu từ sản xuất nội dung số thông qua đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị, cập nhật các hình thức quảng cáo mới, thu phí người dùng… Tuy nhiên, trước những khó khăn phải đối mặt, cơ quan báo chí này kiến nghị không khống chế thời lượng quảng cáo trong các chương trình giải trí và cho phép thu phí người dùng qua hình thức trả phí thuê bao hoặc phí nội dung trên hạ tầng OTT.
Tại phiên thảo luận chủ đề “Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí” trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc năm 2024, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, nêu rõ sự bùng nổ và xâm nhập sâu sắc của công nghệ số đã làm thay đổi căn bản thị trường báo chí trên 3 khía cạnh: hành vi tiêu thụ tin tức, cấu trúc thị trường và nguồn thu. Riêng về nguồn thu, khảo sát cho thấy trong năm 2021, tổng doanh thu hầu hết khối cơ quan báo chí giảm 30% đến hơn 40% so với năm 2020. Giai đoạn sau đại dịch COVID-19, không nhiều cơ quan báo chí tăng doanh thu trong khi nhiều cơ quan ghi nhận sự sụt giảm.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Quang Đồng kiến nghị miễn, giảm thuế GTGT với toàn bộ sản phẩm báo chí; đơn giản hóa thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách; tạo thuận lợi trong thực hiện nghĩa vụ kiểm soát tương tác người dùng khi báo chí hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội…Về dài hạn, có thể đẩy mạnh xã hội hóa để tăng đầu tư cho năng lực công nghệ, tập trung ngân sách cho một số cơ quan báo chí cốt lõi để xây dựng nhóm đơn vị truyền thông chủ lực.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương, các cơ quan báo chí đang từng ngày, từng giờ mong mỏi việc hoàn thiện cơ chế tài chính để có điều kiện phát triển thuận lợi hơn.
Ông NGUYỄN TẤN PHONG, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM:
Cấp bách hoàn thiện cơ chế tài chính
Bộ TT-TT vừa ban hành Thông tư 05/2024 hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí. Có hiệu lực từ ngày 1-8, thông tư này là căn cứ pháp lý quan trọng, giúp các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí khắc phục một số vướng mắc, khó khăn, làm cơ sở để tính thuế, thực hiện các nhiệm vụ chi, quyết toán theo quy định. Việc này cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan báo chí thực hiện chính sách về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ TT-TT cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính, cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, quy định về chi tiết thi hành Luật Giá và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí. Đây là những vấn đề lớn, cấp bách, trong bối cảnh cơ quan báo chí gặp rất nhiều khó khăn.
Hội Nhà báo TP HCM cũng ghi nhận một số nội dung kiến nghị của lãnh đạo các cơ quan báo chí thành phố. Đó là bố trí kinh phí cho các cơ quan chủ quản để giao nhiệm vụ, đặt hàng cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, truyền thông chính sách, cung cấp thông tin thiết yếu; bố trí kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan báo chí. Đồng thời, có lộ trình sửa đổi các quy định về thuế, phí, lệ phí, chế độ nhuận bút phù hợp với đặc thù hoạt động của từng loại hình.
Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về cơ chế tài chính để báo chí phát triển phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị là việc làm cấp bách.
. Nhà báo NGUYỄN THU HÀ, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) – Đài Truyền hình Việt Nam:
Nhiều kinh nghiệm hay trên thế giới
Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới cho thấy, một giải pháp hỗ trợ gián tiếp nhưng cũng vô cùng quan trọng đối với cơ quan báo chí mà các chính phủ đang áp dụng là xem xét giảm thuế cho báo chí.
Tại Mỹ, Đạo luật Bền vững báo chí địa phương được đưa ra tại Quốc hội vào năm 2021 đã đề xuất cung cấp các khoản ưu đãi thuế liên quan những khoản lương cho nhà báo ở các tờ báo địa phương trong các khoản lương cho nhà báo. Tại Canada, Chính phủ Liên bang công bố một chính sách đầy tham vọng vào năm 2018: Đưa ra những khoản tín dụng thuế cùng các ưu đãi khác trị giá khoảng 600 triệu USD cho hoạt động báo chí trong vòng 5 năm. Tại Tunisia – quốc gia ở Bắc Phi, các công ty mới, bao gồm cả các phương tiện thông tin đại chúng, có thể yêu cầu miễn thuế trong 4 năm đầu hoạt động. Trong đó, miễn thuế hoàn toàn trong năm đầu tiên, miễn 75% thuế suất trong năm thứ hai, 50% trong năm thứ ba và 25% trong năm thứ tư.