Thông tin được ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (Huba) nêu tại phiên họp kinh tế – xã hội của UBND thành phố, chiều 3/5. Theo ông, các doanh nghiệp tại địa bàn chủ yếu có đơn hàng ngắn giao quý I, quý II.
Một số doanh nghiệp có đơn hàng đến quý III nhưng để ký được phải chịu sức ép đơn giá giảm, hàng rào kỹ thuật cao. “Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn nỗ lực để không bỏ mất đơn hàng, chấp nhận thu nhập giảm và tìm giải pháp tiết giảm chi phí, duy trì công ăn việc làm cho lao động”, ông Hòa cho biết.
Cùng ý kiến, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết đặc điểm đơn hàng hiện không dài theo năm như trước mà chỉ từng quý, tháng. Điều này là do thị trường thế giới chưa phục hồi, xung đột vũ trang một số nơi phức tạp hơn đầu năm.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là khi sức mua một số khách hàng truyền thống như châu Âu chưa cao thì doanh nghiệp đã chuyển hướng nhanh chóng tìm khách hàng mới, tăng bán cho khách Đông Nam Á và châu Á (chiếm khoảng 60%). Bốn tháng qua, xuất khẩu từ TP HCM đi châu Á đạt 7,5 tỷ USD.
Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng của thành phố đạt 15,1 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ 2023. Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 5,1%. Tuy con số này thấp hơn mức bình quân là 7% của giai đoạn trước dịch nhưng theo ông Vũ là mức tăng khá trong bối cảnh hiện tại.
Một số tín hiệu cho thấy đơn hàng trong thời gian tới có thể duy trì. Đầu tiên là chỉ số tiêu thụ điện trong công nghiệp, xây dựng tăng 7% đầu năm đến nay, cho thấy doanh nghiệp tăng gia sản xuất. Thứ hai là nhập khẩu 4 tháng qua đạt 18,1 tỷ USD, tăng 6,6%, phản ánh nhu cầu nguyên liệu vào cải thiện.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM lưu ý IIP của thành phố từ sau dịch chỉ tăng bình quân 2,4% mỗi năm trong khi cả nước tăng 6%. Ngành chế biến chế tạo có vai trò lớn nhưng tăng thấp hơn mức chung. Ngoài ra, chỉ số lao động cũng giảm 5,8% so với cùng kỳ.
“Đơn hàng quay lại nhưng thời gian ngắn, giá không tăng trong khi chi phí đầu vào tăng nên biên lợi nhuận giảm. Kết quả là không tạo được động lực cho sản xuất công nghiệp”, ông Hoàng lý giải.
Trong lúc đơn hàng xuất khẩu chưa thế bứt phá, ông Hòa cho rằng kích cầu trong nước “có ý nghĩa sống còn” với doanh nghiệp.
Bốn tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ở TP HCM tăng 12%. Tuy nhiên, theo ông Hoàng, xét về quy mô vẫn tương đương cùng kỳ 2022, cho thấy cần kích cầu sức mua hơn nữa.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng có thể tổ chức các đợt khuyến mại tập trung kéo dài 3 tháng như năm trước. Điểm tiến bộ là Sở Công Thương đã nhận được một số đề nghị từ các tỉnh để liên kết tổ chức hoạt động bình ổn thị trường, tháng khuyến mại. “Chúng ta rất hạn chế tăng giá, tìm mọi cách hạn chế chi phí, ổn định thị trường lúc này”, ông Vũ nói.
Nhận định chung tình hình TP HCM 4 tháng qua, ông Nguyễn Khắc Hoàng cho rằng đầu tàu kinh tế vẫn chưa có cú hích đủ mạnh để kinh tế đi nhanh hơn. “Trong quý II, các giải pháp đặt ra cần chú trọng động lực tiêu dùng nội địa, đầu tư công, sớm đưa các công trình mới vào hoạt động, tiếp tục đồng hành và tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp”, ông Hoàng nêu.
Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng “không thể chủ quan” khi GRDP quý I khá hơn bình quân cả nước thì quý II cũng tương tự. Ông đề nghị các tổ công tác tập trung giải quyết các tồn đọng, vướng mắc của doanh nghiệp.
Riêng với đầu tư công, sau khi chạy nước rút cuối năm ngoái và nỗ lực vào quý I, kết quả riêng tháng 4 còn thấp. Vì vậy, TP HCM yêu cầu các chủ đầu tư lên kế hoạch giải ngân hàng tháng và giám sát tiến độ. Các dự án chuyển tiếp từ 2022, 2023 phải tăng tốc. Đồng thời, đảm bảo việc các nhà thầu thi công đúng tiếp độ.
Theo Trang Vnexpess