Doanh nghiệp muốn rót vốn vào nông sản, logistics tại Tây Nguyên

Nhà đầu tư muốn rót vốn vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế xanh, logistics tại Tây Nguyên, nhưng cho rằng vùng cần tăng năng lực chế biến, hạ tầng.

Đề nghị này được các nhà đầu tư nêu với đại diện các địa phương vùng Tây Nguyên, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực này, chiều 4/4.

Vùng Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum với nhiều tiềm năng phát triển nguyên liệu nông sản, dược liệu, du lịch sinh thái và khoáng sản.

Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch công ty Thực Phẩm Bình Tây, cho biết sắp đưa vào vận hành một nhà máy sản xuất miến dong, có sẵn đơn hàng xuất khẩu hàng chục triệu USD năm nay. Theo bà, Đắk Nông có vùng trồng dong, là nơi tiềm năng để doanh nghiệp đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu nông sản này.

“Chúng tôi muốn bao tiêu khoảng 3.000 tấn bột dong mỗi năm cho sản xuất, xuất khẩu”, bà Giàu đề xuất.

Ông Đặng Đình Long, CEO thương mại đầu tư Mega A nói việc tạo mã số vùng trồng, mã nhà đóng gói cho nông sản, dược liệu là cấp thiết, để đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng khắt khe của nước ngoài.

Doanh nghiệp này đề xuất xây dựng Trung tâm logistics xuyên biên giới tỉnh Kon Tum để trung chuyển hàng hóa giữa Lào – Việt Nam. Ông Long muốn đầu tư một bãi hạ tải hàng hóa 100 ha và hai kho ngoại quan công suất 50.000-100.000 tấn hàng sắn lát tại Kon Tum, Gia Lai.

CEO Mega A cũng muốn tìm một quỹ đất 200-250 ha xây chợ nông sản, thương mại tự do tập trung để giải quyết vấn đề về logistics, hàng hóa của vùng.

Ông Lê Văn Chiến, Phó chủ tịch Đắk Nông đứng phát biểu tại hội nghị chiều 4/4. Ảnh: ITPCÔng Lê Văn Chiến, Phó chủ tịch Đắk Nông đứng phát biểu tại hội nghị chiều 4/4. Ảnh: ITPC

Tuy nhiên, khu vực này đang thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu nông nghiệp, chuỗi logistics, hay hạ tầng kết nối với các đô thị lớn, như TP HCM. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP HCM nói hợp tác lĩnh vực lương thực – thực phẩm TP HCM và Tây Nguyên chưa căn cơ. Nhu cầu của doanh nghiệp thành phố lớn nhưng Tây Nguyên thiếu năng lực bảo quản, chế biến.

Bà Chi đề xuất các tỉnh cung cấp thông tin về thế mạnh vùng trồng, hợp tác với TP HCM xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp dùng chung để điều phối chuỗi cung ứng. Các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên cũng cần có chính sách ưu đãi đầu tư vào các dự án kho lạnh, kho bảo quản, chế biến.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng quan tâm đến lĩnh vực du lịch, kinh tế xanh ở Tây Nguyên. Vùng Tây Nguyên có nguồn tài nguyên rừng phong phú, độ che phủ đạt 51,34%. Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đánh giá nơi đây có lợi thế rất lớn trong thị trường tín chỉ carbon.

“Tây Nguyên cần quan tâm rà soát lại hiện trạng rừng, tính toán quy tra tín chỉ carbon để bán. Riêng doanh nghiệp tại TP HCM cũng đã có nhu cầu mua tín chỉ carbon”, ông Hoan gợi ý.

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc VinaCarbon (thuộc VinaCapital) cho biết quỹ muốn đầu tư các dự án tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon, tập trung vào lâm nghiệp, sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp.

“Chúng tôi có thể hỗ trợ tài chính, nhân sự cho các doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh. Nếu dự án có khả năng tạo ra tín chỉ carbon, chi phí cho toàn bộ quy trình tạo ra tín chỉ sẽ được quỹ này đầu tư”, ông Tùng nói.

Một góc Măng Đen, tỉnh Kon Tum năm 2022. Ảnh: Đức HòaMột góc Măng Đen, tỉnh Kon Tum năm 2022. Ảnh: Đức Hòa

Về phía địa phương, họ cho biết muốn mời gọi đầu tư vào du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng đô thị – thương mại – dịch vụ ta với số vốn gần 82.000 tỷ đồng.

Đơn cử, Kon Tum mời gọi 3 khu du lịch gắn với trải nghiệm tắm bùn, tham quan thác, vườn sâm Ngọc Linh quy mô 30-50 ha mỗi dự án. Đăk Lăk đang tìm nhà đầu tư cho nhà máy xử lý chất thải rắn, khu tài chính thương mại – dịch vụ và tổ hợp sân gofl – biệt thự hồ Ea Kao.

Bên cạnh chào mời các dự án khu đô thị mới, du lịch sinh thái, ông Lê Văn Chiến, Phó chủ tịch thường trực UBND Đắk Nông, cho hay tỉnh tìm nhà đầu tư quan tâm đến khai thác bauxite và sản xuất alumin. Tỉnh này có trữ lượng bauxite khoảng 5 tỷ tấn, chiếm hai phần ba cả nước, đang kỳ vọng thành trung tâm luyện kim màu.

“Chúng tôi rất muốn tìm kiếm các nhà đầu tư sản xuất alumin, nhưng để hình thành một nhà máy ngành này đòi hỏi chi phí cao, khoảng 700 triệu USD”, ông Chiến nói.

Hiện, TP HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên hợp tác phát triển ở nhiều lĩnh vực. Tại hội nghị hôm nay, các địa phương mời gọi các dự án thuộc các lĩnh vực, gồm hạ tầng giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất chế biến, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, logistic, y tế.

Trong đó, một số dự án trọng điểm như cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương (Lâm Đồng), Khu đô thị mới tổ 1, phường Nghĩa Đức (Đắc Nông), Dự án khu nông nghiệp công nghệ cao (Gia Lai).

Theo Báo Vnexpess