DN công nghệ thông tin kết thành đội ngũ, tiên phong đột phá
Dự Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ IV, sáng 8/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các DN công nghệ thông tin giải đến cùng những “bài toán” cụ thể, làm đến cùng thay vì giải pháp trung gian; “chau chuốt”, hoàn thiện để người sử dụng tuyệt đối yên tâm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu không làm mới, không tháo gỡ, không đầu tư thì không thể phát triển được – Ảnh: VGP/Đình Nam
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh Bộ TT&TT, các bộ, cơ quan, hiệp hội, các DN cùng nhau tổ chức diễn đàn rất thiết thực với chủ đề “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”.
Phó Thủ tướng chia sẻ, mới đây, tại Hội nghị toàn quốc (trực tiếp kết hợp với trực tuyến) nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XIII) ông được phân công trình bày tóm tắt nội dung Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể hoá các mục tiêu, giải pháp, quan điểm, định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua.
Đó là trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, người dân có cuộc sống hoà bình, an toàn, văn hoá và một nền sản xuất hiện đại. Cụ thể, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, giai đoạn 2021-2030, Việt Nam phải tăng trưởng trung bình 7%/năm, từ năm 2031 trở đi phải tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm.
Điểm lại tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong hơn 30 năm Đổi mới, Phó Thủ tướng cho rằng những mục tiêu đặt ra không hề đơn giản, nhất là trong hai năm 2020-2021, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, cùng các biến động khó lường của kinh tế toàn cầu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta không duy ý chí, đã bàn rất kỹ, nhưng cần những giải pháp rất đặc biệt; đồng thời khơi dậy khát vọng mãnh liệt trong cả xã hội là phải thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, không thể nghèo mãi, giống như ngày xưa là khát vọng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Từ đó, hình thành những sức mạnh, động lực mới. Có thể không mới về vấn đề nhưng mới về cách làm. Không mới về vấn đề hay cách làm nhưng có xung lực mạnh mẽ hơn.
Phó Thủ tướng nghe giới thiệu giải pháp công nghệ của DN tại Diễn đàn – Ảnh: VGP/Đình Nam
Theo Phó Thủ tướng, trước hết, những vướng mắc từ thể chế (thông tư, nghị định, luật pháp) phải được tháo gỡ. Đơn cử, các quy định, thủ tục về dự án đầu tư công nghệ thông tin, dù đã tháo gỡ phần nào qua chủ trương thuê dịch vụ công nghệ thông tin nhưng vẫn còn rất phức tạp. “Nếu không làm mới, không tháo gỡ, không đầu tư thì không thể phát triển được”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng “cần tiếp tục thay đổi, bằng khát vọng để tìm ra những điểm đột phá”.
Vấn đề thứ hai Phó Thủ tướng nêu lên là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Ngay trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mục tiêu có 1 triệu kỹ sư công nghệ cũng cần có những giải pháp đặc biệt, đột phá mới trong đào tạo, “không thể duy trì những quy định như trước đây”.
Thứ ba là phải tìm ra những mũi nhọn mới, lĩnh vực còn dư địa. Lĩnh vực chuyển đổi số, công nghiệp công nghệ thông tin đang rất được kỳ vọng, được coi là “một trong vài lực lượng lượng quyết định”, để đạt mục tiêu phát triển đất nước như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra.
Phó Thủ tướng nêu một số lĩnh vực ở Việt Nam có dư địa phát triển, có thể và cần phải làm tốt hơn nữa như giáo dục đại học, đào tạo nghề, du lịch, công nghệ thông tin,… Riêng trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, doanh thu trong năm 2022 ước đạt 135 tỷ USD, xuất khẩu 130 tỷ USD, nhưng chủ yếu là phần cứng do DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sản xuất, còn phần mềm, dịch vụ, nội dung số chỉ chiếm 5%.
“Chúng ta chỉ có thể biến những dư địa phát triển đó thành hiện thực bằng những hành động thật”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn, “Ngoài những DN có vai trò dẫn dắt ban đầu thì cần phải tạo được ‘sân chơi’ kết nối, hình thành đội ngũ DN công nghệ thông tin đông đảo, mạnh dạn bước ra thị trường nước ngoài với tinh thần rất tự tin”.
Không chỉ hướng ra thị trường nước ngoài, Phó Thủ tướng cho rằng ngay ở trong nước, còn rất nhiều “bài toán” đặt ra cho cộng đồng DN công nghệ thông tin như chi trả lương hưu, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội… trên cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, kết nối với tài khoản ngân hàng của mỗi người, thanh toán điện tử…; hay “bài toán” về ùn tắc giao thông đô thị trên cơ sở tính toán lưu lượng phương tiện, điều chỉnh linh hoạt đèn giao thông tại các thời điểm khác nhau…; “bài toán” về du lịch thông minh cho phép du khách chỉ qua điện thoại di động có thể xem trước điểm đến đã được số hoá, đặt vé đi lại, khách sạn, được thuyết minh bằng chính thứ tiếng của họ tại điểm du lịch…
Lãnh đạo nhiều DN công nghệ thông tin hàng đầu trình bày tham luận về chủ đề “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu” – Ảnh: VGP/Đình Nam
“Thị trường trong nước còn mênh mông. Các DN công nghệ thông tin cần giải các bài toán cụ thể, làm đến cùng thay vì giải pháp trung gian. Các sản phẩm làm ra không chỉ cần nhanh mà phải được ‘chau chuốt’, hoàn thiện để người sử dụng tuyệt đối yên tâm”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị cộng đồng DN công nghệ thông tin đi cùng nhau, làm cùng nhau, thành một đội ngũ.
“Ngành công nghệ thông tin có vinh dự mở đường, đi đầu trong đổi mới. Đất nước bước sang giải đoạn mới phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, công nghệ thông tin được giao sứ mệnh là một trong vài mũi mở đường. Cộng đồng công nghệ thông tin phải hoàn thành sứ mệnh này, đóng góp thật thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh với mong muốn đất nước độc lập, giữ được chủ quyền, không còn nghèo, người dân được sống trong hoà bình, hạnh phúc hơn”, Phó Thủ tướng nói.