Đề xuất hoàn thiện môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp gia đình

Doanh nghiệp mong muốn Quốc hội tháo gỡ nhiều hơn nữa những khó khăn, bất cập trong hoạt động kinh doanh để các doanh nghiệp gia đình thực sự cất cánh, đột phá, dẫn dắt trong các lĩnh vực.

Tại cuộc gặp mặt đoàn đại biểu doanh nghiệp gia đình tiêu biểu cả nước mới đây, nhiều ý kiến doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp đều bày tỏ mong muốn Quốc hội tiếp tục dành sự quan tâm, sớm thể chế hoá Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới vừa được ban hành mới đây.

Cuộc gặp mặt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu doanh nghiệp gia đình tiêu biểu cả nước.

Tạo lập khuôn khổ pháp luật và môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho các doanh nghiệp gia đình nói riêng, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam nói chung vươn lên phát triển mạnh mẽ.

Theo đó, đề xuất về nhưng khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư, kinh doanh, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn mong muốn Quốc hội tháo gỡ nhiều hơn nữa những khó khăn, bất cập trong hoạt động kinh doanh để các doanh nghiệp thực sự cất cánh, đột phá, có vai trò dẫn dắt trong các lĩnh vực.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Sovico Holdings, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hãng hàng không VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng HDBank cungx đề nghị, Quốc hội tạo điều kiện về hành lang pháp lý phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn mong muốn Quốc hội tháo gỡ nhiều hơn nữa những khó khăn, bất cập trong hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, Chủ tịch Sovico Holdings cũng đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistics…

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền mong muốn, Quốc hội cần sửa đổi Luật đất đai phù hợp với thực tiễn để Luật đi vào cuộc sống, gỡ khó cho các doanh nghiệp bất động sản.

Đồng thời cần cải cách thủ tục hành chính minh bạch, hiệu quả, tránh gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền mong muốn, Quốc hội cần sửa đổi Luật đất đai phù hợp với thực tiễn để Luật đi vào cuộc sống, gỡ khó cho các doanh nghiệp bất động sản.

Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu của doanh nghiệp đều khẳng định mạnh mẽ quyết tâm và sự nỗ lực hết sức mình không chỉ đưa doanh nghiệp gia đình phát triển lớn mạnh mà còn góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc, đóng góp xứng đáng vào việc hiện thực hoá hai mục tiêu khát vọng phát triển 100 năm đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Chia sẻ với doanh nghiệp, trong bối cảnh tình hình quốc tế biến động nhanh, phức tạp và khó lường như hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nhận định, trong khó khăn, thách thức cũng có nhiều cơ hội, nhất là cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể tạo ra sự phát triển đột phá cho cả những quốc gia đang phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các doanh nhân, doanh nghiệp gia đình cần phát huy tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến vì một Việt Nam hùng cường.

Trong tiến trình đó, Quốc hội, Chính phủ sẽ nỗ lực tối đa hoàn thiện thể chế pháp luật, kiến tạo và thúc đẩy sự phát triển, nhưng quan trọng nhất, theo Chủ tịch Quốc hội: “Vẫn là đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, thấy sóng cả mà không ngã tay chèo, càng trong khó khăn càng không bao giờ được bỏ cuộc”.

Quốc hội, Chính phủ sẽ nỗ lực tối đa hoàn thiện thể chế pháp luật, kiến tạo và thúc đẩy sự phát triển.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị có rất nhiều đổi mới về nội dung và cũng gửi gắm rất nhiều kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, trong đó đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc. “Tôi rất thiết tha ý này. Để phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc thì rất cần phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội thông qua việc hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trong các gia đình doanh nhân. VCCI, Hội đồng doanh nhân gia đình Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện nội dung này của Nghị quyết số 41-NQ/TW”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Khẳng định Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân tham gia sở hữu và điều hành doanh nghiệp gia đình cần quan tâm xây dựng, trau dồi, rèn luyện đạo đức, văn hóa kinh doanh, tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, thương dân, khát vọng cống hiến, trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững và xứng tầm là những doanh nhân đại diện cho một đất nước Việt Nam phát triển, văn minh, hạnh phúc.

Cần lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam. Xây dựng, thực hành các chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh mang đậm bản sắc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hoá kinh doanh quốc tế, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới. Tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong kinh doanh.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh năng lực, hiệu quả quản trị của các doanh nghiệp gia đình. Theo đó, “doanh nghiệp gia đình nhưng năng lực, trình độ quản trị phải mang tầm quốc gia. Muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải vươn ra thế giới, phải có trình độ, năng lực quản trị quốc tế”.

Cùng với đó, cần quan tâm hợp tác, liên kết, phối hợp với nhau, nhất là giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ động tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi giá trị. “Muốn đi nhanh thì có thể đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội sẽ làm hết sức mình, ban hành các quyết sách đúng đắn, kịp thời, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; luôn lắng nghe, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân, VCCI trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật; tăng cường rà soát văn bản và giám sát việc thi hành pháp luật, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết vừa qua, thảo luận về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị nên chăng yêu cầu Chính phủ tổng rà soát tất cả các thủ tục hành chính xem vướng mắc ở đâu và có thể sẽ đưa nội dung này vào Nghị quyết về kinh tế – xã hội hoặc Nghị quyết Kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân, doanh nghiệp gia đình nói riêng sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang là lực lượng nòng cốt lãnh đạo đội quân chủ lực là các doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu và khát vọng phát triển của dân tộc, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phồn vinh, hoàn thành nguyện ước của Bác Hồ đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp