[Quảng Trị] Nâng cao hiệu quả hoạt động tại Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan

Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị triển khai các hoạt động kinh doanh với thị trường Lào từ tháng 7/1989. Hiện nay mỗi năm kim ngạch xuất nhập khẩu với Lào khoảng 4 triệu USD, chủ yếu qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay. Tuy nhiên hiện nay có nhiều trở ngại, rào cản nhất là từ các quy định của các bộ, ngành của Lào cũng như chính sách thiếu nhất quán giữa các địa phương của Lào.

Tham quan gian hàng nông sản Quảng Trị trưng bày tại hội thảo -Ảnh: N.K

Dân số Lào không lớn, lao động qua đào tạo không nhiều nhưng việc thu hút lao động Việt Nam qua làm việc tại các dự án sản xuất, dịch vụ tại Lào gặp khó khăn, mức phí cấp thẻ lao động khá cao. Bộ Lao động Lào quy định tỉ lệ người nước ngoài làm việc tại các dự án tại Lào không quá 20%.

Thủ tục pháp lý về thuê đất, cấp phép đầu tư dự án cho doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở Lào khá phức tạp, chi phí không chính thức khá cao, nhiều dự án quy mô vừa và nhỏ các doanh nghiệp Việt Nam phải nhờ người Lào đứng tên do đó phát sinh rủi ro về mặt pháp lý.

Quy định của Bộ Giao thông vận tải Lào không cho xe vận tải không tải (và xe du lịch không có khách) sang Lào để chở hàng hóa, khách du lịch về Việt Nam đã gây khó khăn cho phương tiện vận tải của Việt Nam sang Lào.

Gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào có văn bản quy định không cho xuất khẩu sắn củ tươi từ Lào về Việt Nam.

Qua nghiên cứu đề án Xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan, chúng tôi nhận thấy dự thảo đề án đã đề ra các cơ chế, giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đầu tư và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ kho bãi, dịch vụ du lịch cho công ty, cụ thể:

– Về đầu tư; hoạt động đầu tư của doanh nghiệp tại Khu thương mại biên giới Densavan sẽ được đơn giản về thủ tục hành chính và giảm chi phí, được pháp luật hai nước Việt Nam và Lào bảo đảm trong thời gian thực hiện dự án (50 năm). Nếu khu kinh tế thương mại được hình thành như đề án, công ty sẽ nghiên cứu đầu tư bãi trung chuyển sắn củ tươi tại Khu thương mại biên giới Densavan để tăng cường số lượng nhập khẩu từ Lào về Việt Nam phục vụ nhu cầu Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa; đầu tư nhà máy chế biến viên nén năng lượng từ nguồn gỗ rừng trồng của Lào tại Khu thương mại biên giới Densavan.

– Về du lịch; nếu việc đơn giản các thủ tục cho khách du lịch Việt Nam sang tham quan, thưởng thức ẩm thực tại Khu thương mại biên giới Densavan và cho du khách Lào sang Khu KTTMĐB Lao Bảo được áp dụng, công ty sẽ nghiên cứu đẩy mạnh khai thác các tour du lịch qua khu vực biên giới này.

Qua đây, chúng tôi có một số kiến nghị, đề xuất như sau:

– Đối với hàng hóa nông sản (chuối, sắn củ tươi, lúa nếp, lúa tẻ,…) do cư dân biên giới (các huyện Sepon, huyện Mường Noòng-tỉnh Savannakhet) đưa từ Khu thương mại biên giới Densavan qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo vào tiêu thụ tại Khu KTTMĐB Lao Bảo được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng như phụ lục II kèm theo Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào ký ngày 27/6/2015 (áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam theo các dự án đầu tư của Việt Nam quy định tại Điều 7 Hiệp định).

– Đề nghị cho phép phương tiện vận tải hàng hóa, vận tải hành khách từ Việt Nam được vào Khu thương mại biên giới Densavan để vận chuyển hàng hóa, hành khách về Việt Nam (không chịu quy định ràng buộc của Bộ Giao thông vận tải Lào).

– Đề nghị sớm quy hoạch chi tiết Khu thương mại biên giới Densavan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nghiên cứu triển khai các dự án kho bãi, chế biến nông, lâm sản.

– Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có chính sách ưu tiên, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại địa bàn Khu thương mại biên giới Densavan trong vay vốn trung, dài hạn (lãi suất, thủ tục,…), được thế chấp tài sản đầu tư tại Khu thương mại biên giới Densavan để vay tại các Ngân hàng Việt Nam mở Chi nhánh tại Lào.

Theo Báo Quảng Trị