Lương tối thiểu vùng 2024: Tính toán thời điểm điều chỉnh phù hợp để “cấp oxy” cho doanh nghiệp

Dù thống nhất kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu tuy nhiên đại diện doanh nghiệp cho rằng cần nghiên cứu, trao đổi và tính toán kỹ lưỡng thời điểm điều chỉnh cho phù hợp.

Sáng 9/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã nhóm họp phiên đầu tiên để bàn về tiền lương tối thiểu vùng năm 2024.

Ngày 9/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã nhóm họp phiên đầu tiên để bàn về tiền lương tối thiểu vùng năm 2024. 

Nguồn tin của DĐDN cho hay, sau khi phân tích và lắng nghe ý kiến, có tới 14/15 số phiếu hội đồng đồng ý thống nhất tạm thời chưa xem xét khuyến nghị phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng 2024. Thay vào đó, tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến tình hình kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh, thị trường lao động để đến khoảng cuối quý IV/2023 sẽ xem xét cụ thể phương án điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Trao đổi tại phiên họp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cập nhật tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn với dự báo tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn đã và đang bị đe dọa bởi lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu đang lâm vào suy yếu. Cùng với đó, xung đột Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tại Việt Nam, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm so với cùng kỳ 2022 như: dệt may, linh kiện điện tử, tôn thép các loại, dăm gỗ, tinh bột sắn; xơ sợi dệt các loại, bột đá,…

Đặc biệt, bên cạnh việc tuyển mới lao động, tình trạng công nhân nghỉ việc vẫn diễn ra, số người lao động nghỉ việc nhiều hơn hoặc gần bằng số lao động các công ty tuyển mới, tình trạng này chủ yếu là các doanh nghiệp FDI có số lao động biến động hàng tháng.

Nguyên nhân dẫn đến việc người lao động bị cắt giảm giờ làm là do các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số đơn vị, doanh nghiệp không nhập được nguyên, vật liệu nên ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, thậm chí, nhiều doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới, trong khi hàng sản xuất ra tồn kho nhiều…

Đáng lưu ý, ông Hoàng Quang Phòng nêu nhận định, dự báo trong giai đoạn tới, trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung, số lượng việc làm trong khu vực chính thức càng ngày càng giảm, khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn ngắn chưa có dấu hiệu khả quan.

Các khó khăn, thách thức tác động tới tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới vẫn rất lớn, với nhiều yếu tố khó dự báo hơn, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, suy yếu, sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại lớn dẫn đến giảm mạnh các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp; việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn; kéo theo tình hình cắt giảm lao động, mất việc làm gia tăng là những yếu tố tác động bất lợi đến thị trường lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp.

Từ thực tế này, đại diện người sử dụng lao động mặc dù thống nhất kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu tuy nhiên cần nghiên cứu, trao đổi và tính toán kỹ lưỡng thời điểm điều chỉnh cho phù hợp.

“Hiện nay các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì hoạt động, nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm và thị trường tiêu thụ để có thể thích ứng trước những biến động nhanh và khó lường của thương mại toàn cầu. Việc điều chỉnh lương tối thiểu sẽ tác động đến việc tăng giá cả sinh hoạt do đó cũng ảnh hưởng đời sống của người lao động, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để tháo gỡ các khó khăn cung cấp “ô-xy” cho “sức khoẻ” doanh nghiệp sớm hồi phục như”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch VCCI mặc dù thống nhất kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu tuy nhiên cần nghiên cứu, trao đổi và tính toán kỹ lưỡng thời điểm điều chỉnh cho phù hợp.

Cụ thể với các giải pháp như tiếp tục thực hiện kịp thời, có hiệu quả việc tạm hoãn nộp các khoản thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN của người lao động, phí công đoàn…

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư hiệu quả, nhất là khu vực FDI nhằm tạo thêm việc làm, thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hoá cho các doanh nghiệp FDI; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới nhằm thay thế những thị trường và mặt hàng cũ đang gặp khó khăn.

Tiếp tục duy trì và có tần suất hơn các buổi đối thoại với doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nhằm lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị, thấu hiểu những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để sớm có các giải pháp nhanh, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, cũng tại phiên hop chính thức đầu tiên này, phía đại diện người lao động nêu mức đề xuất tăng 5-6%. Việc lùi chương trình làm việc của Hội đồng Tiền lương quốc gia để các bên có đánh giá rõ hơn tình hình thị trường lao động, việc làm và sự phục hồi của doanh nghiệp trước khi đưa ra khuyến nghị Chính phủ một phương án cụ thể.

Theo thông lệ các năm trước đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp trong tháng 7-8 hằng năm để đưa ra khuyến nghị với Chính phủ về lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm tiếp theo. Phương án lương tối thiểu vùng được khuyến nghị trên cơ sở phương án được đa số thành viên hội đồng đồng thuận.

Trước đó, vào năm 2020, sau khi chịu tác động bởi dịch COVID-19, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đưa ra khuyến nghị không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021. Tiếp đó, năm 2021, Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng thống nhất khuyến nghị chưa tăng lương tối thiểu vùng vào đầu năm 2022. Tới đầu năm 2022, khi dịch COVID-19 dần qua đi, nền kinh tế được từng bước mở cửa trở lại, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới họp và thống nhất khuyến nghị tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2022, phương án này sau đó được Chính phủ ký ban hành và áp dụng tới nay.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp