[Đà Nẵng] Ưu tiên tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh Đà Nẵng, lãi suất cho vay trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn thành phố giảm bình quân 0,9%/năm so với cuối năm 2023. Đây là điều kiện thuận lợi hỗ trợ nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng, lãi suất cho vay trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn thành phố giảm bình quân 0,9%/năm so với cuối năm 2023. Đây là điều kiện thuận lợi hỗ trợ nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.
Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Agribank – chi nhánh Nam Đà Nẵng. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Doanh nghiệp bớt khó

Bước sang quý 3-2024, Công ty TNHH Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc (Khu công nghiệp Hòa Khánh) ghi nhận tín hiệu tích cực từ thị trường tiêu thụ khi doanh thu tháng 7-2024 tăng khoảng 8% so với tháng 6-2024. Ông Nguyễn Thanh Phước, giám đốc công ty cho biết, công ty nhập 1-2 container nguyên liệu/tháng với tổng giá trị 2-5 tỷ đồng nên nguồn vốn xoay vòng rất quan trọng, đặc biệt thời điểm này, doanh nghiệp cần số vốn lớn hơn để tăng sản xuất và may mắn là lãi suất đang tương đối “dễ thở” hơn so với các năm trước. Cụ thể là 5,6% cho khoản vay ngắn hạn (dưới 6 tháng).

Ông Phước nhìn nhận, thời điểm này, các tổ chức tín dụng đều đưa ra những chương trình hỗ trợ sản xuất với lãi suất khá tốt và các doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn phù hợp với quy mô kinh doanh.

Tương tự, ông Ngô Bảo Thiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải du lịch và dịch vụ thương mại Long Hiền thông tin, hoạt động du lịch của thành phố khởi sắc nên tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty có tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại đối tác của công ty cũng giảm lãi suất cho vay với các gói vay ngắn hạn, trung hạn từ 6-8,5%.

Ghi nhận đến cuối tháng 7-2024, lãi suất huy động (tiền gửi) trên địa bàn ở mức: không kỳ hạn và dưới 1 tháng khoảng 0,1-0,2%/năm; 1 tháng đến dưới 6 tháng 2,8-3,7%/năm; 6 tháng đến 12 tháng 4,4-5,5%/năm và từ trên 12 tháng 4,7-5,7%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6,5-7%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa Việt Nam đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm; lãi suất cho vay trung dài hạn phổ biến ở mức 8,5-10%/năm. So với cuối tháng 12-2023, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,9%/năm ở các kỳ hạn. Nhìn chung, các ngân hàng thương mại tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp.

Ông Trần Đình Chánh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) – chi nhánh Nam Đà Nẵng thông tin, từ ngày 5-8 đến 31-10-2024, Agribank triển khai gói vay 100.000 tỷ đồng cho cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất từ 3,5%/năm với khoản vay ngắn hạn và từ 6%/năm với vay trung và dài hạn.

Ngoài ra, chi nhánh tiếp tục triển khai các gói vay ưu đãi như cho vay khách hàng cá nhân đầu tư, sản xuất kinh doanh chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) 3-5 sao với lãi suất ngắn hạn 4,1-6,3%/năm; cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ lãi suất 4,9-6,8%/năm; cho vay ưu đãi các dự án đầu tư dành cho doanh nghiệp khoảng 6-6,8%/năm.

Theo ông Chánh, các chương trình trên đều thấp hơn cho vay thông thường 1,5-2%/năm, qua đó giúp khách hàng tối ưu chi phí và kịp thời bổ sung nguồn vốn phục vụ cho các kế hoạch kinh doanh cuối năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc. Ảnh: M.Q
Mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất keo dán vải nhám Bá Lộc. Ảnh: M.Q

Tín dụng sẽ tập trung hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh Đà Nẵng, dư nợ cho vay của 5 lĩnh vực ưu tiên tại địa phương lũy kế đến ngày 30-6-2024: lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 10.346 tỷ đồng, chiếm 4,67%; lĩnh vực xuất khẩu đạt 3.280 tỷ đồng, chiếm 1,48%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 3.729 tỷ đồng, chiếm 1,68%; doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 55.077 tỷ đồng, chiếm 24,88%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 22 tỷ đồng, chiếm 0,01% trên tổng dư nợ.

Trong đó, dư nợ cho vay ưu tiên trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 28,5%; cho vay xuất khẩu tăng hơn 20% so với cuối năm 2023. Dư nợ cho vay ưu tiên sản xuất, kinh doanh tăng cũng song song với tăng trưởng kinh tế thành phố, dẫn chứng là chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao nhất của 7 tháng kể từ năm 2019 đến nay; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,87 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023…

Về phát triển nông nghiệp – nông thôn, tổng dư nợ cho vay đến ngày 30-6-2024 đạt 10.346 tỷ đồng (dư nợ ngắn hạn 6.201 tỷ đồng; dư nợ trung, dài hạn 4.145 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 4,67% tổng dư nợ trên địa bàn.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh Đà Nẵng cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22-2-2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1-8-2022 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu thực hiện chương trình.

Đến quý 2-2024, dư nợ của chương trình cho vay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đạt 5.945 tỷ đồng, chiếm 2,71 % tổng dư nợ cho vay trên địa bàn, với tổng cộng 24.793 hộ dân, 200 doanh nghiệp được vay vốn.

Tuy tổng dư nợ cho vay 6 tháng đầu năm của các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố có tăng trưởng, ở mức 0,72% so với cuối năm 2023, nhưng tỷ lệ tăng còn thấp so với tỷ lệ 6% của cả nước. Ông Minh cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh Đà Nẵng sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ giải ngân chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo lại chung cư cũ và chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay và chủ động công bố thông tin về lãi suất, chương trình ưu đãi lãi suất đến người dân và doanh nghiệp; hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các hoạt động tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo Báo Đà Nẵng