[Đà Nẵng] Tìm giải pháp phát triển nhân lực số

Chuyển đổi số là một quá trình nỗ lực đổi mới lâu dài từ tư duy lãnh đạo, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng… và cần phải được thực hiện một cách đúng đắn ngay từ những khâu đầu tiên. Nói cách khác, sự thành công của chuyển đổi số sẽ được quyết định ngay trong tư duy và tầm nhìn từ các cấp lãnh đạo lan tỏa đến nhân viên, tiếp đến là nguồn nhân lực cần để triển khai chiến lược chuyển đổi số. Song hiện nay, nguồn nhân lực chuyển đổi số thiếu hụt đang là một thách thức lớn.

Nguồn nhân lực chuyển đổi số được các đơn vị trường học và doanh nghiệp tham gia đào tạo để cung ứng cho thị trường. TRONG ẢNH: Tập đoàn FPT đầu tư phát triển hạ tầng, gắn sản xuất với đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Ảnh: TRIỆU TÙNG – Đồ họa: MAI ANH

Bài 1: Thiếu hụt về nhân lực

Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đạt nhiều kết quả về chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc thiếu nhân lực chuyển đổi số (nhân lực số) đang là khó khăn chung của các đơn vị, địa phương; đồng thời chất lượng nhân lực cũng là vấn đề cần quan tâm.

Nguồn cung chưa đủ

Tính đến tháng 6-2023, thành phố có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, đứng thứ 2 cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh, gấp hơn 3 lần tỷ lệ trung bình 0,7 doanh nghiệp công nghiệp số/1.000 dân của cả nước. Tổng nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) thành phố khoảng 47.500 người (chiếm tỷ lệ 7,7% tổng số lao động của địa phương).

Tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 của Thành ủy về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 28-8-2021 của UBND thành phố về ban hành đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu: năm 2025 đạt tối thiểu 3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân và tạo ra ít nhất 75.000 lao động chất lượng cao; đến năm 2030 đạt tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân và tạo ra ít nhất 115.000 lao động chất lượng cao.

Như vậy, mục tiêu đặt ra tỷ trọng nhân lực công nghệ số trên tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính 10,3% vào năm 2025 (mức trung bình cả nước là 2,83%) và 13,7% vào năm 2030 (mức trung bình cả nước là 4,78%). Trong giai đoạn 2022-2025, thành phố cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm và trong giai đoạn 2026-2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm.

Có thể thấy, yêu cầu về số lượng nhân lực số ngày càng lớn. Vậy nguồn cung để đáp ứng nhu cầu hiện nay của thành phố ở mức độ nào? Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông, thành phố hiện có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực CNTT gồm 20 trường đại học, cao đẳng và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề và trung tâm đào tạo phi chính quy.

Trong số các trường đại học, cao đẳng, có 17 trường đào tạo chuyên ngành CNTT, 13 trường đào tạo các chuyên ngành gần CNTT. Năm 2022, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành CNTT trên địa bàn khoảng gần 6.000 sinh viên. Ngoài ra, nguồn nhân lực CNTT tại thành phố còn được cung cấp từ các cơ sở đào tạo trên cả nước sau khi sinh viên tốt nghiệp và tới Đà Nẵng làm việc.

PGS.TS. Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho biết đang có sự mất cân đối giữa “cung” và “cầu” nhân lực số do nhiều nguyên nhân như xu thế chuyển đổi số ở các doanh nghiệp từ khi Covid-19 xuất hiện đến nay diễn ra rất mạnh, dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực để làm các công việc chuyển đổi số (thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo AI, Big Data, IoT, VR/AR, Blockchain…) ngày càng lớn, đòi hỏi tức thời nguồn nhân lực CNTT. Trong khi đó, việc tăng chỉ tiêu, quy mô đào tạo từ các trường đại học cần có thời gian chuẩn bị về đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất, thời gian đào tạo trình độ đại học tối thiểu 4 năm.

Phân tích rõ hơn, các trường đại học không thể tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh lĩnh vực CNTT để đáp ứng nhu cầu xã hội do phải tuân thủ theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, để tăng chỉ tiêu tuyển sinh cần tăng đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực CNTT.

Thực tế trong thời gian qua, công tác tuyển dụng giảng viên cho các ngành thuộc lĩnh vực CNTT luôn gặp khó khăn. Những người đủ về trình độ chuyên môn về CNTT, đủ điều kiện để tuyển dụng bổ sung vào độ ngũ giảng viên được các doanh nghiệp trả lương cao, môi trường làm việc thuận lợi nên không chọn trường đại học để giảng dạy.

Các trường đại học đa ngành không thể chuyển đổi hoặc tăng chỉ tiêu quá lớn trong lĩnh vực CNTT để bảo đảm cơ cấu ngành nghề cân bằng trong nhà trường nhằm tạo sự phát triển bền vững. Trong quá khứ, có nhiều ngành phát triển nóng trong giai đoạn ngắn hạn rồi suy giảm và đã từng xảy ra việc đào tạo sinh viên ra trường không có việc làm, đội ngũ giảng viên không chuyển đổi được ngành đào tạo.

Các lĩnh vực dự kiến có nhu cầu cao như AI, Blockchain chưa được đào tạo nhiều tại Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Nhân viên làm việc tại Công ty TNHH Phần mềm FPT Đà Nẵng. Ảnh: C.T

Chất lượng nhân lực chưa bảo đảm

Ngoài thiếu hụt về số lượng, chất lượng nhân lực số vẫn chưa bảo đảm. Theo báo cáo thị trường CNTT Việt Nam năm 2022 của nền tảng việc làm CNTT TopDev công bố, chỉ có 35% trong tổng số 57.000 sinh viên chuyên ngành CNTT tốt nghiệp hằng năm đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo ông Vy Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, chất lượng nhân lực số chưa bảo đảm vì nhiều nguyên nhân: các lĩnh vực dự kiến có nhu cầu cao như AI, Blockchain chưa được đào tạo nhiều và chưa có môi trường phát triển do quy mô hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là doanh nghiệp nhỏ hoặc chi nhánh. Cùng với đó, sự quyết tâm nâng cao trình độ của người lao động còn thấp, có xu hướng hài lòng với công việc hiện tại, trong khi nhân lực cấp độ quản lý luôn thiếu.

Theo PGS.TS. Lê Thành Bắc, thực tế sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đã có bằng nhiều văn bản hợp tác nhưng kết quả đạt được chưa cao, một số sinh viên sau khi ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Doanh nghiệp hợp tác chủ yếu là tìm kiếm, tuyển chọn ngay một số sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc mà chưa thực sự đầu tư dài hạn cho công tác đào tạo, dẫn đến hiệu quả cung ứng, sử dụng nguồn nhân lực CNTT còn lãng phí. Doanh nghiệp chưa có nhiều đóng góp về đổi mới quản trị đại học và hợp tác, nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến chương trình hiệu quả cho nhà trường. Song song đó, vai trò của cơ quan quản lý trong mối quan hệ giữa nhà trường – doanh nghiệp vẫn chưa thể hiện rõ rệt.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đánh giá, nhìn chung nhân lực CNTT trong các cơ quan Nhà nước còn mỏng, chưa bảo đảm triển khai chuyển đổi số. Tại các sở, ban, ngành, quận, huyện phần lớn chỉ bố trí 1 cán bộ chuyên trách CNTT, tuy nhiên cán bộ đó phải kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác. Tại UBND các phường, xã chỉ phân công cán bộ kiêm nhiệm thêm công tác CNTT.

Hơn nữa, nguồn kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của thành phố hằng năm còn hạn chế so với nhu cầu; chưa thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên ngành CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức. Từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số là vấn đề cấp bách cần có tầm nhìn dài hạn từ cơ quan, đơn vị Nhà nước để bảo đảm nguồn nhân lực CNTT của thành phố tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Theo Báo Đà Nẵng