[Đà Nẵng] Thu hút khách du lịch bằng chiến lược truyền thông
Để thành phố hấp dẫn hơn trong mắt du khách, ngành du lịch thành phố đã xây dựng kế hoạch truyền thông điểm đến Đà Nẵng năm 2023.
Đoàn famtrip Nam Phi đến Đà Nẵng khảo sát các chương trình tour, tuyến du lịch được đón tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: NHẬT HẠ |
Đẩy mạnh quảng bá điểm đến an toàn, mến khách
Dựa trên các kịch bản tương lai của du lịch thế giới trong năm 2023, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhận định, lượng khách du lịch quốc tế có thể đạt 80% đến 95% so với mức trước Covid-19 trong năm nay, tùy thuộc vào mức độ suy thoái kinh tế, sự phục hồi du lịch đang diễn ra ở châu Á và Thái Bình Dương cũng như diễn biến của cuộc xung đột Nga – Ukraine cùng các số yếu tố khác.
Tương tự, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đưa ra dự báo về thị trường hàng không toàn cầu. Cụ thể, sản lượng luân chuyển khách quốc tế năm 2023 dự kiến bằng 80% so với năm 2019 và nội địa đạt khoảng 95% so với năm 2019. Tại Việt Nam, đến cuối năm 2022, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019.
Thị trường quốc tế dần hồi phục và dự báo đạt mức 2019 vào cuối năm 2023. Trước những dự báo khả quan nói trên, của các tổ chức lớn, ngành du lịch thành phố đã xây dựng kế hoạch truyền thông điểm đến Đà Nẵng năm 2023. Trong đó tập trung cung cấp các thông tin chính xác, rõ ràng về các điểm đến, hoạt động du lịch, lễ hội cho du khách cũng như đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Đà Nẵng là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách…
Trước những dự báo khả quan của các tổ chức lớn, ngành du lịch thành phố đã và đang xây dựng kế hoạch truyền thông điểm đến Đà Nẵng năm 2023, nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Đà Nẵng là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách…
Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, năm nay, ngành du lịch xác định được các nhóm thị trường trọng điểm cần đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến đến du khách.
Các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch được tập trung triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, chuyên nghiệp, độc đáo; tận dụng được nguồn lực của các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn vào công tác xúc tiến, phát triển du lịch Đà Nẵng. Đặc biệt, ngành du lịch lựa chọn được thông điệp, kênh truyền thông, hình thức xúc tiến du lịch hiệu quả.
Chiến lược cụ thể với từng thị trường khách
Chủ đề của ngành du lịch thành phố năm nay là “Tận hưởng Đà Nẵng 2023” với định hướng nội dung trọng tâm truyền thông theo 6 nhóm sản phẩm, gồm: nhóm tận hưởng vui chơi, giải trí; nhóm tận hưởng ẩm thực; nhóm tận hưởng biển, nghỉ dưỡng; nhóm tận hưởng MICE; nhóm tận hưởng golf và nhóm tận hưởng du lịch cưới.
Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, đơn vị đang có kế hoạch truyền thông cụ thể đối với từng thị trường, trong đó, dự kiến thị trường nội địa sẽ tập trung phát triển các thị trường có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, ưu tiên thị trường Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên; phát triển phân khúc thị trường khách trẻ tuổi, cặp đôi và các loại hình du lịch MICE và du lịch học đường, du lịch nghỉ dưỡng.
Dự kiến, các hoạt động truyền thông thị trường nội địa 2023 như: truyền thông trực tuyến trên các kênh: Cổng thông tin du lịch Danang Fantasticity, Youtube, Instagram, trên nền tảng số hóa các đơn vị Klook, KKD, Traveloka, GDL, VTV cap…; truyền thông trên các kênh truyền hình, báo, đài; tổ chức cuộc thi video/ảnh đẹp Đà Nẵng; xuất bản ấn phẩm, quà tặng bộ nhận diện thương hiệu…
Với thị trường khách quốc tế, ngành du lịch thành phố sẽ khôi phục và đẩy mạnh các thị trường quốc tế trọng điểm và truyền thống gồm: khu vực Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) và khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia, Philippines), Ấn Độ; tập trung phân khúc khách có khả năng chi trả cao, khách hàng không, khách sự kiện, lễ hội quy mô quốc tế, khách MICE, khách du lịch cưới.
Bên cạnh đó, dự kiến, kế hoạch truyền thông của ngành du lịch năm nay đi vào chi tiết từng thị trường trọng điểm. Đơn cử, với thị trường khách Hàn Quốc, các hoạt động truyền thông của ngành du lịch hướng đến như: xây dựng trang mạng xã hội Naver của du lịch Đà Nẵng; đón các đoàn presstrip, KOLs; đặt hàng báo chí tại Hàn Quốc viết bài PR; gửi E-newsletter các thông tin nổi bật của Đà Nẵng đến các đối tác Hàn Quốc, tăng cường nội dung tiếng Hàn trên Cổng thông tin Du lịch Đà Nẵng tiếng Hàn và các mạng xã hội hiện có của Đà Nẵng (Instagram, Youtube).
Trong khi đó, Ấn Độ là thị trường khách mới với Đà Nẵng. Vì vậy, khai thác thị trường này cần chiến lược đặc thù hơn. Ngành du lịch đang hướng đến kết nối với hãng phim, nhà sản xuất tại Ẩn Độ thực hiện video cưới, khám phá vẻ đẹp của điểm đến tại Đà Nẵng; phối hợp với Tập đoàn Global Group gửi bản tin điện tử quảng bá điểm đến Đà Nẵng đến các đối tác lữ hành, người tiêu dùng, quảng bá trên các trang mạng xã hội và truyền thông đại chúng, đăng trên các trang tin tức tại Ấn Độ; đón biên tập viên, nhà văn, người nổi tiếng, phóng viên Ấn Độ đến Đà Nẵng…