[Đà Nẵng] Kết luận số 79-KL/TW – Động lực mới để Đà Nẵng tiếp tục phát triển

Ngày 13-5-2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là văn kiện quan trọng, tạo động lực mới để Đà Nẵng tiếp tục có được những kế hoạch hành động phù hợp, đề ra những bước đi đúng hướng với tư duy bứt phá mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố trong tình hình mới.

Thành phố tiếp tục xây dựng văn hóa, con người có bản sắc riêng. TRONG ẢNH: Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên trái) trao giải phim châu Á dự thi hay nhất cho đoàn làm phim “Culi không bao giờ khóc”. Ảnh: X.D
Thành phố tiếp tục xây dựng văn hóa, con người có bản sắc riêng. TRONG ẢNH: Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên trái) trao giải phim châu Á dự thi hay nhất cho đoàn làm phim “Culi không bao giờ khóc”. Ảnh: X.D

Bài 1: Xây dựng văn hóa, con người Đà Nẵng có bản sắc riêng

Trong nội dung Kết luận số 79-KL/TW, Bộ Chính trị nêu rõ: Đầu tư phát triển văn hóa, con người đồng bộ, ngang tầm với phát triển kinh tế, đưa hình ảnh thành phố Đà Nẵng văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế; xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị, phát triển con người Đà Nẵng toàn diện, tuân thủ pháp luật, hội nhập quốc tế và có giá trị bản sắc riêng.

Văn hóa, con người được thành phố Đà Nẵng xác định trở thành nền tảng, động lực quan trọng, phù hợp với điều kiện chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội trong giai đoạn mới.

Giữ gìn bản sắc văn hóa, con người Đà Nẵng

Dưới góc nhìn địa văn hóa, Đà Nẵng nằm trong vùng đất được tôn vinh là “ngũ phụng tề phi”, gắn liền với truyền thống hiếu học và say mê sáng tạo, là vùng đất hội tụ cả văn hóa biển, văn hóa nông nghiệp và văn hóa đô thị. Theo nhà nghiên cứu Đinh Thị Trang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố, văn hóa Đà Nẵng không tách rời mà phát triển trong dòng văn hóa xứ Quảng. Trải qua tiến trình lịch sử, Đà Nẵng là nơi quần cư của cư dân nhiều địa phương khác đến, nơi giao lưu và hội tụ những nét văn hóa của nhiều vùng miền trong cả nước. Người dân từ xưa đã biết chắt lọc cái mới để cùng cái cũ tạo nên nét đặc thù của văn hóa Đà Nẵng như: giọng nói; lối sống mực thước, giản dị, không khoa trương, hình thức; đề cao mối quan hệ gia đình, dòng tộc, cộng đồng; ứng xử thân thiện, mến khách. “Một điều đặc biệt ở con người Đà Nẵng là họ không khéo léo, tinh tế làm hài lòng người khác, nhưng tình cảm thì nồng hậu chất phác”, bà Trang nói.

Trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, văn hóa Đà Nẵng hiện nay vừa lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, vừa mang những nét văn hóa hiện đại của một đô thị trẻ, văn minh. Bản sắc văn hóa tốt đẹp, nhân văn của người Đà Nẵng trở thành giá trị cốt lõi, vững vàng và thực sự có giá trị lan tỏa hình ảnh thành phố. Hiện nay, thành phố đang nỗ lực để xây dựng Đà Nẵng trở thành nơi “đáng sống, đáng đến”. Điều này phần nào thể hiện rõ qua con đường du lịch, từ cách người dân thành phố ứng xử, giao tiếp với du khách trong và ngoài nước.

Ở Đà Nẵng, không thiếu những câu chuyện đẹp như: nữ nhân viên môi trường nhặt được túi xách chứa hàng tỷ đồng đã trả lại cho du khách; người dân đi mua xăng giúp du khách khi xe hết xăng giữa đường; hàng quán niềm nở, không ép giá du khách… tất cả, tạo thành những giai thoại đẹp về tình người, làm du khách thêm yêu mến Đà Nẵng. Tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2024, khi được hỏi về cảm nhận đối với Đà Nẵng, ông Kyle Wright (du khách đến từ Hoa Kỳ) chia sẻ: “Thành phố này thật thú vị, ở đây thiên nhiên, dịch vụ du lịch tuyệt vời và món ăn cũng rất ngon. Đặc biệt, mọi người rất thân thiện, hiếu khách, khiến cho chúng tôi có cảm giác an toàn, ấm áp tựa như ở nhà”.

Là đô thị trung tâm của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, bản sắc văn hóa Đà Nẵng còn thể hiện ở môi trường sống thân thiện hài hòa, nhịp sống yên bình, cộng đồng dân cư đoàn kết, nỗ lực cống hiến xây dựng thành phố. Bản sắc văn hóa tốt đẹp, nhân văn của người Đà Nẵng trở thành giá trị cốt lõi, vững vàng và thực sự có giá trị lan tỏa, bồi đắp những đức tính tốt đẹp đối với công dân nhập cư trong quá trình cộng cư và tiếp biến văn hóa. Là người nhập cư từ tỉnh Thanh Hóa vào Đà Nẵng sinh sống hơn 20 năm, chị Hách Thị Phượng (quận Sơn Trà) cho biết, chị lựa chọn ở lại đây vì nhiều lý do, trong đó phải kể đến lý do người dân Đà Nẵng có bản tính chất phác, ngay thẳng, sống đơn giản, thân thiện và chân thật.

“Nhiều năm sinh sống ở đây, tôi thường nghe mọi người ví Đà Nẵng đẹp và văn minh giống Singapore. Điều này làm cho tôi cảm thấy khá vui với lựa chọn ở lại đây của mình, muốn được “khoe” về Đà Nẵng với bạn bè trong và ngoài nước. Ở đây, mọi người rất tin tưởng nhau. Tôi cho rằng, khi mọi người có lòng tin với nhau thì cộng đồng sẽ tốt lên từng ngày. Khi ấy, họ sống không chỉ vì bản thân mình, mà còn vì những mục tiêu cao hơn, kể cả mục tiêu phát triển thành phố. Thành phố đáng sống là nơi đáng để cống hiến”, chị Phượng bày tỏ.

Ca sĩ Anh Tú biểu diễn ca khúc “Tuyệt vời Đà Nẵng” tại chung kết Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024. Ảnh: X.D
Ca sĩ Anh Tú biểu diễn ca khúc “Tuyệt vời Đà Nẵng” tại chung kết Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024. Ảnh: X.D

Hội nhập quốc tế, phát triển công nghiệp văn hóa

Thành phố không ngừng phát triển, kéo theo văn hóa và lối sống của người dân ít nhiều biến đổi, ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn theo chiều hướng hiện đại, hội nhập với thế giới. Đây là nền tảng, cũng là điều kiện quan trọng để thành phố phát triển văn hóa, con người Đà Nẵng theo tinh thần Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị.

Theo ông Bùi Công Minh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố, văn hóa văn minh đô thị, văn hóa con người Đà Nẵng là một sức mạnh nội sinh cần đặc biệt coi trọng và phát huy trong bối cảnh phát triển mới của thành phố hiện nay. Điều này đòi hỏi thành phố cần tập trung xây dựng cộng đồng dân cư có tư tưởng, đạo đức, lối sống chuẩn mực, phù hợp với thuần phong mỹ tục truyền thống và phong cách giao lưu rộng mở trên phạm vi quốc gia, quốc tế.

Bên cạnh đó, trên địa bàn phải có những doanh nghiệp lớn, có uy tín trong kinh doanh những sản phẩm đặc thù về văn hóa, có khả năng quảng bá sâu rộng những giá trị văn hóa của địa phương ra cả nước và quốc tế; tạo được những thương hiệu văn hóa của địa phương và góp phần xây dựng được một thị trường văn hóa sôi động. Ngoài ra, có cơ chế thu hút, bồi dưỡng được đội ngũ nhân tài văn hóa và động viên văn nghệ sĩ sáng tạo được những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc, có tiếng vang không chỉ trong phạm vi thành phố, mà được lan tỏa, đón nhận ở trong nước và khu vực.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, thành phố tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, các di tích, danh lam, thắng cảnh gắn với phát triển công nghiệp văn hóa. Minh chứng rõ nét là nỗ lực đưa hệ thống ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hiện thu hút rất đông khách tham quan.

Bên cạnh đó, thành phố cố gắng làm dày thêm bộ sưu tập bảo vật quốc gia với 3 bảo vật mới trong năm 2024, nâng tổng số bảo vật quốc gia của Đà Nẵng lên con số 9, đều đang lưu giữ, trưng bày phục vụ du khách ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Đến nay, sau hơn 2 năm phối hợp cùng tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai trùng tu, tôn tạo, di tích quốc gia đặc biệt Hải Vân quan chính thức mở cửa đón du khách đến tham quan từ ngày 1-8. Hiện thành phố đang tập trung hoàn thành Bảo tàng Đà Nẵng cơ sở mới 42-44 Bạch Đằng, dự kiến đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng thành phố (29-3-1975 – 29-3-2025); chuẩn bị thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành Điện Hải (giai đoạn 2). Được biết, cuối năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt đề án phát triển công nghiệp văn hóa, với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển ngành này, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát triển công nghiệp văn hóa là những nhiệm vụ quan trọng trong đề án “Phát triển văn hóa – xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, làm nền tảng xây dựng thành phố an bình, đáng sống, hình thành các giá trị bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030” của UBND thành phố. Trong giai đoạn này, thành phố sẽ tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế trong tổ chức các sự kiện, bảo tồn và hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Đăng cai các sự kiện quốc tế mang tầm khu vực và thế giới phù hợp tình hình kinh tế, xã hội của Đà Nẵng. Đồng thời, thực hiện chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, điều kiện vùng miền nhằm khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp và phát huy sự sáng tạo đối với văn nghệ sĩ; xem xét, điều chỉnh, bổ sung cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm triển khai có hiệu quả ngành công nghiệp văn hóa.

Theo Báo Đà Nẵng