Chuyển đổi số ngành logistics để thúc đẩy tăng trưởng

Thông qua hoạt động chuyển đổi số, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics sẽ thay đổi tư duy, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, đạt lợi nhuận vượt trội hơn.

Chia sẻ với DĐDN, bà Trần Thị Tố Loan – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, Chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Nam Đình Vũ cho rằng, chuyển đổi số đang là yêu cầu cấp thiết, tuy nhiên, để đạt hiệu quả, cần đẩy nhanh việc chuyển đổi số một cách đồng bộ và thống nhất.

– Trong bối cảnh hiện tại, quá trình chuyển đổi số được coi là một yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp. Tập đoàn Sao Đỏ đã và đang thực hiện việc này ra sao, thưa bà?

Tập đoàn Sao Đỏ là chủ đầu tư KCN Nam Đình Vũ tại Hải Phòng. Hiện nay, chúng tôi đang trong giai đoạn chuyển đổi từ KCN truyền thống sang mô hình KCN phát triển bền vững và quan tâm hơn đến yếu tố môi trường, xã hội. Trong đó, có yếu tố sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và có kiểm soát hơn. Với mục tiêu như vậy thì áp dụng chuyển đổi số và các biện pháp khoa học mới vào trong quản lý KCN đang là vấn đề chúng tôi đặc biệt quan tâm.

Ở quy mô Tập đoàn, hiện tại chúng tôi đang sử dụng các phần mềm quản lý công việc nội bộ, hệ thống mạng nội bộ. Còn ở quy mô dự án, toàn bộ hệ thống về quản lý, hệ thống về xử lý nước thải, hệ thống điện hay phần mềm VR360 để tiếp cận khách hàng cũng như hệ thống quản lý dữ liệu cũng hoàn toàn được số hoá để đảm bảo không chỉ sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong KCN mà còn có thể nâng cao tất cả các sản phẩm, dịch vụ để đưa tới cho khách hàng.

– Vậy theo bà, đâu là những khó khăn và thách thức trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp?

Thực ra, ngay từ ban đầu, chúng tôi xác định sẽ phải sử dụng tất cả các nguồn lực bao gồm tài chính, nhân lực, hướng dẫn đào tạo cũng như thời gian cho việc chuyển đổi số này. Vì vậy, doanh nghiệp cũng không gặp quá nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực tế triển khai, vấn đề rất quan trọng trước khi quyết định chuyển đổi số, đặc biệt ở quy mô doanh nghiệp thì đó là vấn đề bảo mật an toàn thông tin. Đây cũng là một yếu tố hiện nay đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp cũng như chính quyền.

Trong quá trình triển khai, trên nền tảng số không chỉ có thông tin về doanh nghiệp, chủ sở hữu của hệ thống mạng mà toàn bộ hệ thống thông tin của các đối tác, khách hàng cũng như tất cả những người liên quan thì đều nằm trên hệ thống của chúng ta. Trong nửa đầu năm 2024, Tập đoàn chúng tôi đã cùng với đối tác của mình là Trung tâm đổi mới sáng tạo và an toàn thông tin của Đại học RMIT cũng như chính phủ Úc, đã có những chương trình đào tạo miễn phí cho toàn bộ các doanh nghiệp ở trong KCN cũng như một số đối tác về vấn đề an toàn thông tin, đào tạo về đại sứ an toàn thông tin, những người lãnh đạo an toàn thông tin để có thể hỗ trợ doanh nghiệp có thể quản lý tốt hơn vấn đề rủi ro về an toàn thông tin ở trong doanh nghiệp.

Cảng Nam Đình Vũ đã xây dựng hệ thống phần mềm cảng thông minh – SmartPort với toàn bộ hệ thống online như: tờ khai trực tuyến, igate…

Tuy nhiên, cũng phải nói thật là chúng tôi nhận được rất hạn chế sự quan tâm. Có thể kể đến, ví dụ khi Tập đoàn Sao Đỏ tổ chức các chương trình liên quan đến tài chính, kế toán, update về thuế thì quy mô tổ chức có thể lên tới 200 người tham gia, nhưng với chương trình này nhận được sự quan tâm, tham gia rất hạn chế. Vì thế, tôi cho rằng đây là vấn đề cần phải được quan tâm hơn nữa. Và nếu doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề thì truyền thông, Nhà nước cũng cần phải tham dự để chúng ta quản lý việc này tốt hơn.

 Những hạn chế trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp logistics, ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động kết nối chuỗi cung ứng và hướng đi ra sao, thưa bà?

Khó khăn vừa rồi chúng ta cũng đã đề cập đến là việc chúng ta không có một hệ thống theo chuỗi. Ví dụ, tại KCN Nam Đình Vũ và tại một dự án thành phần của KCN đó là cảng Nam Đình Vũ thì chúng tôi đã xây dựng một hệ thống phần mềm, đó là phần mềm cảng thông minh – SmartPort với toàn bộ hệ thống online, ví dụ như: tờ khai trực tuyến, igate (Dịch vụ phần mềm một cửa điện tử) hoặc thậm chí là thông quan trực tuyến, tất cả hoàn toàn đều thể hiện điện tử.

Tuy nhiên, đó chỉ gói gọn ở quy mô trong KCN Nam Đình Vũ và tại cảng Nam Đình Vũ. Còn những hệ thống logistics kết nối với bên ngoài, ví dụ bên trong KCN Nam Đình Vũ cũng có phân khu về logistics và ngoại trừ cảng Nam Đình Vũ ra cũng có rất nhiều hệ thống liên quan đến kho, bãi, cảng với rất nhiều đơn vị logistics, song vấn đề kết nối với các doanh nghiệp trong khu vẫn còn rất hạn chế. Điều này là rất không thuận tiện cho khách hàng.

Tôi cho rằng, đó là một hệ thống dữ liệu rất lớn và cần sự tham gia đồng bộ của Nhà nước và tất cả các hiệp hội. Đồng thời, việc này cần rất nhiều thời gian và nguồn lực. Ngoài ra, còn vấn đề về bảo mật thông tin. Như vừa rồi tôi có chia sẻ, khi hệ thống được up lên chung tất cả các doanh nghiệp trong khu, việc đảm bảo được thông tin cho các khách hàng đối tác của mình cũng là vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm.

– Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp